
Sáng ngày 15/06/2022, Quỹ Văn hiến Việt Nam tổ chức Hội nghị đánh giá chung công tác hoạt động của Quỹ trong giai đoạn 2016-2021 và nêu phương hướng hoạt động của Quỹ trong giai đoạn 2022-2025. Đến dự Hội nghị có ông Phạm Trung Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Phi Chính phủ; bà Nguyễn Thị Nguyên – Chuyên viên Vụ Tổ chức Phi Chính phủ, Bộ Nội Vụ; bà Nguyễn Mai Lan – Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Chủ trì Hội nghị là PGS.TS Phạm Duy Đức, Ủy viên Hội đồng quản lý Quỹ. Thay mặt Hội đồng khoa học Quỹ, GS,TS Đặng Cảnh Khanh, Chủ tịch đã trình bày tóm tắt báo cáo kết quả công tác của Quỹ giai đoạn 2 (2019-2022) từ khi GS,TS Lê Thị Quý làm chủ tịch đồng thời nhấn mạnh 3 nhiệm vụ lớn của Quỹ mà GS,AHLĐ Vũ Khiêu, người sáng lập Quỹ đề ra là:
– Tập hợp đoàn kết trí thức tham gia vào hoạt động văn hóa, văn hiến.
– Thực hiện các dự án liên quan đến văn hóa, văn hiến.
– Tiếp nhận và sử dụng tài chính hợp lý, minh bạch.
Cụ thể, trong các kết quả công tác của Quỹ Văn hiến Việt Nam đã đạt được nổi bật là việc xây dựng đề án về “Phục dựng và tôn tạo đền thờ vị công chúa người Lào đã giúp Việt Nam đánh giặc vào thế kỷ XV“. Đây là một dự án lớn do Quỹ chủ động xây dựng được lãnh đạo hai nước Việt – Lào ủng hộ. Dự án này do GS.TS Đặng Cảnh Khanh phụ trách. Đến nay Quỹ vẫn đang tiếp tục giai đoan nghiên cứu và triển khai hoạt động đề án quan trọng này với địa phương.


Một số đề án về Văn hiến đã và đang được Quỹ Văn hiến Việt Nam triển khai. Đó là:
- Các Đề án làm việc với Thành phố Hà Nội
Đề án nghiên cứu và xây dựng văn hóa gia đình tại Hà Nội do GS Lê Thị Quý làm chủ nhiệm. Đề án này đã hoàn thành và được Nhà xuất bản Hà Nội tài trợ việc nghiên cứu, biên soạn, in ấn và xuất bản.
- Các đề án hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương cơ sở tại Hà Nội nghiên cứu, tìm hiểu bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống (Làng Dương Cốc, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội)
- Đề án hỗ trợ việc nghiên cứu về “Phát huy vai trò của văn hóa Phật giáo Việt nam trong xã hội hiện đại”
Ngoài ra còn có các Đề án với các địa phương như:
– Đề án Phát triển du lịch văn hóa tâm linh quận Đồ Sơn- Hải Phòng, đặc biệt là đền thờ Thần Nam Hải. Hiện nay dự án đã hoàn thành
– Đề án làm việc với tỉnh Đồng Nai và Thành phố Biên Hòa
- Hỗ trợ triển khai chiến lược phát triển văn hóa địa phương.
- Xây dựng đề án hỗ trợ dòng họ Vũ, Võ ở phương nam.
– Các Đề án làm việc với tỉnh Bình Phước
- Đề án “Biên soạn văn bia và câu đối” ghi nhận chiến công của các cán bộ, chiến sĩ anh hùng tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt là “Căn cứ Bộ chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam Bình Phước”.
- Đề án phối hợp với lãnh đạo thành phố Đồng Xoài tỉnh Bình Phước, “ Biên soạn văn bia kỷ niệm chiến thắng Đống Xoài” tại khu Đài tưởng niệm Chiến thắng Đống Xoài, thành phố Đồng Xoài tỉnh Bình Phước. Đề án này đã được lãnh đạo thành phố Đồng Xoài nghiệm thu bản thảo.
– Các Đề án làm việc với tỉnh Hải Dương, Nam Định, Hưng Yên:
- Đề án hỗ trợ giúp đỡ tỉnh Hải Dương, huyện Nam sách, địa phương và gia đình “sưu tầm, biên soạn, truyền thông và xây dựng nhà tưởng niệm về Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Văn Nhân”.
Đề án phát triển các di sản văn hóa vật chất, tinh thần – Xây dựng làng văn hóa, du lịch tại thôn Đa Ngưu, xã Tân Tiến , huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, Đây là địa phương mới phát hiện một trong những bản sắc phong cổ từ thế kỷ 18 được Vua Lê Hiển Tông phong tặng cho Tráng Tiết Tướng Quân Nguyễn Đình Huyên.
– Đề án làm việc với tỉnh Tuyên Quang:


Đề án tham mưu, hỗ trợ, giúp đỡ chính quyền và nhân dân tỉnh Tuyên Quang trong việc biên soạn chữ đại tự, văn bia, câu đối xây dựng khu tưởng niệm các bậc tiền bối cách mạng tai chiến khu Tân Trào (2020-2021)
Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Quỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhiều hoạt động đã và đang được thực hiện từ những năm trước và bước đầu xây dựng, triển khai những dự án mới, cụ thể như dự án về “Tôn tạo đền thờ trạng nguyên Lê Văn Thịnh – vị trạng nguyên đầu tiên ở nước ta” tại Bắc Ninh và soạn thảo đề cương “Xây dựng mô hình phát triển các làng văn hóa du lịch kết hợp làng nghề”.
Trong hội nghị, luật sư Đỗ Mạnh Linh, trưởng ban Kiểm soát Quỹ đã trình bày một số vấn đề nội bộ và quá trình kiện toàn Hội đồng quản lý Quỹ Văn hiến Việt Nam qua hoạt động công tác của Ban.
Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Giữ gìn, chấn hưng và phát triển văn hóa dân tộc là một vấn đề quan trọng có tính tâm linh, là trách nhiệm chung của mỗi người Việt Nam. Nó cũng đòi hỏi những người tham gia từ nhà quản lý tới người thực hành, không chỉ có chuyên môn mà còn phải có cả đức tin, đạo lý và nhân cách.
Quỹ Văn hiến Việt Nam hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ cho việc làm công tâm, đúng pháp luật của mình từ các cơ quan chức năng, những nhà quản lý cho những hoạt động thiện nguyện, vô tư và tâm huyết của đội ngũ những trí thức văn hóa đã tham gia Quỹ.
Quỹ cũng mong muốn Vụ Tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ, tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ Quỹ hoàn tất các thủ tục cần thiết, tạo điều kiện để Quỹ hoạt động có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Trung Giang, Phó Vụ trưởng Vụ tổ chức Phi Chính phủ, Bộ Nội Vụ đã nhận định, đánh giá cao một số kết quả nổi bật của Quỹ, đồng thời hy vọng Quỹ sẽ cố gắng củng cố tổ chức, giải quyết các vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong giai đoạn 2019 – 2022 để tiếp tục phát triển
PV