GIỚI THIỆU CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU, BIÊN SOẠN CỦA QUỸ VĂN HIẾN

0
399
Quỹ Văn hiến Việt Nam
GS.TS. Đặng Vũ Cảnh Khanh

記碑族阮安楙

Mậu Yên Nguyễn tộc bi ký

VĂN BIA HỌ TỘC

CỤ NGUYỄN VĂN HY LÀNG MẬU YÊN

(Bản thảo lần 20 đã được biên tập sửa chữa sau nghiệm thu)

      Cổ nhân dạy: “Đất lành phúc căn”. Tìm được mảnh đất lành mà sinh cơ lập nghiệp là đã để lại được căn cơ phúc đức cho con cháu muôn đời.

      Phủ Hà Trung vốn là nơi cát địa, phát tích của nhiều đời quân vương, có lăng miếu Triệu Tường, nơi nguồn cội của 9 đời chúa, 13 đời vua triều Nguyễn. Nơi này mạch đất, nguồn sông thông thoáng, bốn mùa cây quả tốt tươi, con người nhân hậu mà kiên trung, anh tài, hào kiệt nhiều không kể xiết. Thật là một vùng trời đất giao hòa, nhân gian hưng thịnh, hiếm có nơi nào sánh bằng!

      Cụ Tổ chúng ta họ Nguyễn Văn, húy là Hy, con thứ của cụ Nguyễn Văn Đỉnh và cụ bà Nguyễn Thị Lâu làng Mậu Yên, xã Hà Lai, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Khoảng những năm cuối thế kỷ XIX, cụ đã cùng cụ bà Nguyễn Thị Lởi kế tục tiên tổ, tạo lập cơ nghiệp riêng, chọn hướng đất lành, lưng tựa núi Mã, mặt hướng Đông Nam, tìm mạch nước tốt, khơi giếng, đào ao, làm ruộng, trồng cây, chăn nuôi, dựng nhà truyền lại cho con cháu đời sau. Trải bao nắng mưa, khó nhọc, lao tâm, lao lực, nuôi chí khí, dưỡng tâm tài, chăm lo giáo hóa, rèn dũa thi thư, chuyên cần lao động, trau dồi trí đức, giữ gìn phẩm hạnh, hòa khí, sống thanh đạm, đóng cửa dạy dỗ con cháu, hết lòng vì làng nước.

      Ngôi Từ đường đơn sơ mà trang nghiêm cũng được dựng nên từ thuở ấy.

x

      Năm Kỷ Tỵ (1929), vào đời thứ hai, cụ ông Nguyễn Văn Yến cùng cụ kế thất Nguyễn Thị Son – nối tiếp cụ chánh thất Nguyễn Thị Cải, mở rộng Từ đường thành 5 gian nhà mái tranh gồm 3 gian chính có 4 vì, 2 bức thuận, cửa bướm bằng gỗ và 2 gian buồng bằng tre, luồng làm nơi thờ tự và sinh hoạt chung của gia đình. Ngôi Từ đường vẫn giữ được những nét tôn nghiêm, giản dị, mang đậm dấu ấn của kiến trúc cổ truyền xứ Thanh.

      Vào đời thứ ba, năm Ất Mùi (1955), cụ ông Nguyễn Văn Lạc và cụ kế thất Trịnh Thị Don – nối tiếp cụ chánh thất Lê Thị Điểm, đã cho trùng tu lại ngôi Từ đường theo mẫu nguyên bản xưa, sửa đôi chỗ bị mưa nắng hư hại, xây tường đá, lợp mái ngói, lát nền gạch, sân gạch. Từ năm Canh Thân (1980) tới năm Ất Sửu (1985), mặc dù khó khăn chồng chất nhưng các cụ vẫn cố gắng chắt chiu, gom góp công sức dựng cho con cháu hai căn nhà bình dị phía sau Từ đường để lấy chỗ an cư, tạo lập cơ nghiêp lâu dài.

      Từ năm Nhâm Thìn (2012), thuận theo ý nguyện của ông cha, toàn thể gia đình thống nhất trùng tu, bảo tồn, tôn tạo và xây mới lại tổng thể khuôn viên Từ đường. Để tăng sự tôn kính đối với tổ tiên, mọi hoạt động thường nhật được tách khỏi nơi thờ tự. Một ngôi nhà mới hai tầng được xây dựng tại nền đất của nhà ngang cũ, làm nơi sinh hoạt chung.

      Đến năm Giáp Ngọ (2014), ngôi Từ đường uy nghi với mái ngói truyền thống đã được xây mới hoàn toàn trên nền đất và hướng nhà cũ. Kích thước các gian cùng kiểu dáng ban đầu cơ bản được giữ nguyên kết hợp với những hoa văn và họa tiết mới. Từ đường có 5 gian gồm 6 vì, 2 bức thuận, cửa bức bàn bằng gỗ lim, 5 bậc lên xuống bằng đá xanh nguyên khối, tường gạch, nền gạch, sân gạch. Các cột ngoài hè và 2 cột ở cổng đều có câu đối. Nơi thờ tự có hoành phi, câu đối để ghi nhớ công ơn tổ tiên và bày tỏ tấm lòng thành kính của con cháu. Bàn thờ, sập thờ được lập trang nghiêm theo đúng lễ nghi truyền thống,

      Ngôi Từ đường mới đã trở thành nơi linh thiêng, gần gũi và thân thiết để các thế hệ con cháu ở khắp bốn phương trời đất trở về quy tụ, ngưỡng vọng và tôn thờ.

      Khuôn viên Từ đường cũng được tôn tạo, làm mới. Ngõ nhỏ được lát đá. Cổng gỗ được mở rộng. Ao cá được xây mới. Vườn tược được quy hoạch lại. Một căn lầu tiếp khách được dựng lên. Thành ao cổ, thành giếng cổ, bể nước, thùng nước, chậu cây cảnh, bức tranh đồng quê hai bên lối vào nhà được chế tác bằng đá xanh. Nhà Từ đường cũ chuyển về bên cạnh ao nước cổ, được trùng tu, tôn tạo, giữ nguyên kích thước, kiểu dáng của ngôi nhà xưa.

      Từ năm Canh Tý (2020), con cháu mở rộng thêm đất đai phía sau Từ đường, xây tường bao, làm vườn đồi sinh thái, tạo lại các ruộng bậc thang vừa để chống xói mòn đất, vừa ghi nhớ dấu tích mà ông bà xưa đã vất vả khai phá, canh tác. Tại đây, một khung cảnh nông nghiệp kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, lưu giữ nguồn nước tự nhiên đã hình thành. Nhiều loại cây bản địa, truyền thống, quý hiếm được chọn trồng, bốn mùa hoa trái xum xuê bên hồ nước trong xanh cùng với dòng suối mát tưới cho cây vườn. Các loại gia súc, gia cầm được chăn thả. Tôm cá đầy ao. Chim muông tìm về kết tổ. Trên phần đất “yên ngựa” của núi Mã, căn lầu 8 mái mang tên “Nghênh Phong” soi bóng xuống mặt hồ lung linh bên cảnh sắc của non bộ Tam Sơn cũng được xây dựng làm nơi gặp gỡ, giao lưu, ngắm cảnh, hóng gió, đón trăng.

      Năm Nhâm Dần (2022), phía sau Từ đường, một nhà bia được khởi công xây dựng để khắc ghi công đức tổ tiên và răn dạy con cháu. Hai ngôi nhà ở giản dị trước đây cũng được xây mới khang trang.  

      Khuôn viên tổng thể được hoàn thành vào năm Quý Mão (2023) tạo nên khung cảnh sơn thủy hữu tình đậm sắc văn hóa tâm linh, trở thành nơi lao động, học tập và sinh hoạt, vừa truyền thống vừa hiện đại, gắn kết gia đình với quê hương, cộng đồng và mang dáng vẻ của một làng quê thanh bình. Đây cũng là nơi lưu giữ, bảo tồn các di vật giản dị mà thiêng liêng của các bậc tổ tiên từ ngày khai đất, lập nghiệp, truyền gia. Bóng dáng xưa lắng trong hồn kỷ vật, từ những công cụ lao động, học tập cho đến những đồ dùng sinh hoạt hàng ngày đều gợi lại hình ảnh nỗ lực vượt khó đầy ý chí mà thanh cao, đáng tự hào của các thế hệ gia đình chúng ta – một gia đình gốc nông dân thuần Việt, sống bình dị mà trong sáng như ngọc.

x

      Từ đường là nơi quy tụ, nuôi dưỡng gia giáo, gia phong, gia lễ, nơi ghi xương khắc cốt công cao bóng cả, phúc đức của tổ tiên. Từ đường không chỉ là nơi thờ tự  mà còn là chốn linh thiêng lưu giữ nền móng cơ bản, nét đẹp tinh hoa của gia tộc – tích nhân, tụ nghĩa, luyện tài, trải bao đời được bồi đắp, gây dựng, nhắc nhở các thế hệ con cháu nhớ về cội nguồn, hết lòng tri ân công ơn sâu nặng của tổ tiên, giữ gìn di sản của ông cha cùng với các giá trị muôn đời của lao động, tri thức và nhân cách.

      Ngẫm trên đời, việc xây dựng Từ đường bao giờ cũng là điều cần làm, nhằm phát tỏa được khí tiết, tâm tài, phẩm hạnh của tổ tiên xưa đồng thời cũng gửi gắm những kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của con cháu. Bởi vậy, khi thắp nén hương trước tổ tiên, chúng ta không chỉ kính xin sự phù hộ độ trì, mà phải tự chiêm nghiệm lại mình, loại bỏ những bụi bặm của cõi tục, sống thanh cao, kiên định và mạnh mẽ hơn để mà xứng đáng với ông cha. Đó mới là cái nghĩa thâm sâu của việc dựng Từ đường vậy.

      NGỌC KHIẾT LƯU THANH! Con cháu gia tộc nguyện chung sức, đồng lòng phát triển cơ nghiệp, lập phúc, tích đức, giữ thiện, trung thành với đất nước, hiếu nghĩa với nhân dân, giữ gìn hương khói Từ đường, làm rạng danh tổ tông. Vậy nên mới có câu:

Nhật Nguyệt chiếu muôn phương

Tổ tông lưu vạn thế

(Vầng nhật nguyệt mãi chiếu sáng cho muôn phương

Công đức tổ tiên luôn được lưu danh vạn thế)

Ngày lành…   tháng…    năm Quý Mão 2023

 

Hậu thế là bà Trịnh Thị Don và gia đình các con cháu

Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Tỉnh, Nguyễn Văn Đoàn,

Nguyễn Thị Hậu, Nguyễn Thị Vừng và cậu Trịnh Quốc Khải cùng gia tộc (dựng bia)

 

                   GS.TS. Đặng Vũ Cảnh Khanh (phụng thảo văn bia)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây