GS.TS Lê Thị Quý khẳng định: Hiện nay trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, giữ gìn bản sắc dân tộc và văn hiến đang là một nguyên tắc giữ nước “hội nhập mà không hòa tan”.
Sáng 24/10 tại Văn miếu Quốc tử giám đã diễn ra tọa đàm Văn hiến Việt Nam và phát triển đất nước với nhiều nhà khoa học, nhà văn hoá, nhà hoạt động xã hội và doanh nhân tham gia thảo luận. GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới & Phát triển chủ trì toạ đàm.
Giữ gìn và phát triển văn hiến Việt Nam
Phát biểu tại tọa đàm, GS.TS Lê Thị Quý cho rằng, toạ đàm khoa học này tuy giản dị nhưng rất ý nghĩa trong việc tiếp tục tôn vinh nền văn hiến của nước nhà.
Hàng nghìn năm, văn hiến đã tạo ra nền văn minh Việt Nam sánh ngang với các nền văn minh khác của thế giới với những bản sắc riêng và được coi là một nền văn minh quan trọng của nhân loại và có những đóng góp tích cực vào nền văn minh chung.
Theo GS.TS Lê Thị Quý, khái niệm “Văn hiến” có nội dung rộng nhất, không chỉ bao hàm ý nghĩa văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần mà còn cả con người, hệ tư tưởng, pháp luật, tôn giáo, cách tổ chức xã hội, lối sống… nghĩa là toàn diện mọi hoạt động của đất nước.
Khi các nhà tư tưởng lớn của Việt Nam nói về một “nền văn hiến” thì không chỉ có ý nói về “giá trị tinh thần”. Nguyễn Trãi đã nhắc lại câu nói của tư tưởng cổ đại Trung Quốc là “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” nghĩa là chính con người làm nên nền văn hóa của một đất nước, một thời đại.
Trong các giá trị truyền thống, các mối quan hệ con người, gia đình và xã hội luôn được nhấn mạnh. Đó chính là một bộ phận của văn hiến, là sự tiếp nối không ngừng của các thế hệ anh hùng, hào kiệt trong lịch sử Việt Nam, ở nhân cách và giá trị tinh thần của người Việt Nam.
Gìn giữ và phát triển văn hiến Việt Nam, nền văn minh Việt Nam là trách nhiệm của chúng ta đối với dân tộc và các thế hệ tương lai.
Hiện nay trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, giữ gìn bản sắc dân tộc và văn hiến đang là một nguyên tắc giữ nước “hội nhập mà không hòa tan”.
“Chúng ta đang phải đối diện với nhiều thách thức lớn, phát triển kinh tế thị trường, các xung đột của kinh tế và văn hóa, đạo đức và lợi nhuận, trách nhiệm với tập thể và lợi ích cá nhân, sự biến đổi của các giá trị và chuẩn mực, sự bùng nổ đa dạng và phong phú về thông tin, sự đe dọa xâm phạm chủ quyền lãnh thổ đất nước… Những thách thức đó đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với việc vừa kế thừa, giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa của thời đại để củng cố, xây dựng và phát triển văn hiến Việt Nam phù hợp với sự phát triển ngày càng hiện đại của đất nước và nhân loại”, GS.TS Lê Thị Quý nhấn mạnh.
Thảo luận tại tọa đàm, GS.TS Đặng Cảnh Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển cho hay: “GS Vũ Khiêu từ lâu đã rất muốn có một môi trường, một không gian văn hiến của Việt Nam. Làm sao để không gian đó chứa đầy tinh thần Văn hiến Việt Nam”.
Bởi thế, Giáo sư- nhà văn hoá- Anh hùng lao động Vũ Khiêu và các nhà khoa học, nhà văn hoá, doanh nhân cùng tham gia đề xuất thành lập Quỹ Văn hiến Việt Nam nhằm tập hợp các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho các hoạt động giữ gìn và phát triển văn hiến Việt Nam, khuyến khích, biểu dương, tôn vinh những cá nhân, tập thể và những công trình nghiên cứu văn hóa dân tộc có giá trị đặc sắc phục vụ cho sự phát triển trí tuệ và tâm hồn Việt Nam, sự phồn vinh của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.
Kể thêm về tâm huyết của GS Vũ Khiêu với sự hiểu biết sâu sắc về Văn hiến Việt Nam, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên phó chủ nhiệm UB văn hoá của Quốc hội đánh giá: “Với chúng tôi, GS Vũ Khiêu là 1 tấm gương, không chỉ học ở trí thức mà còn học ở con người. Giáo sư ở tuổi gần 100 vẫn viết cuốn sách về Văn hiến lên tới hàng ngàn trang. Chỉ việc đọc thôi đã là một việc không đơn giản rồi chứ đừng nói hiểu hết được tầng lớp ý nghĩa sâu sắc bên trong”.
TS Nguyễn Viết Chức nhìn nhận, ngày nay càng phải phát huy được tinh thần, giá trị văn hiến hàng ngàn năm của dân tộc. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là “món nợ” mà các nhà khoa học, các nhà văn hoá, các nhà xã hội học và doanh nhân phải thực hiện để Việt Nam ngày càng phát triển hơn.
Sứ mệnh đặc biệt của Quỹ Văn hiến Việt Nam
Quỹ Văn hiến Việt Nam hoạt động theo Quyết định số 199/ QĐ- BNV ngày 30/12/2015 của Bộ Nội vụ về việc cấp giấy phép thành lập và công nhận Điều lệ Quỹ Văn hiến Việt Nam và Quyết định số 568/QĐ-BNV ngày 24/7/2019 về việc công nhận thay đổi, bổ sung thành viên Hội đồng quản lý Quỹ Văn hiến Việt Nam, nhiệm kỳ 1 (2016- 2021) chuyển chức chủ tịch Quỹ từ GS-Anh hùng lao động Vũ Khiêu (do lý do sức khỏe) sang GS,TS Lê Thị Quý. PGSTS Phạm Duy Đức là thành viên Ban quản lý; GS.TS Đặng Cảnh Khanh là hội đồng khoa học Quỹ.
Các hoạt động của Quỹ xoay quanh việc phát triển nền văn hiến và văn minh Việt Nam, phù hợp với các giá trị truyền thống dân tộc và xu hướng phát triển của xã hội hiện đại, bao gồm xây dựng nên văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giữ gìn sự thống nhất và đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trên cơ sở văn hiến Việt Nam.
Hoạt động của Quỹ cũng hướng tới góp phần củng cố các giá trị nhân văn, nhân đạo của con người và xã hội Việt Nam, xây dựng các giá trị, chuẩn mực mới, xây dựng con người Việt Nam tương xứng với nên văn hoá dân tộc, tiến bộ, văn minh, tiếp thu và kế thừa tinh hoa văn hoá của nhân loại.
GS.TS Lê Thị Quý cho biết dự kiến trong giai đoạn 5 năm đầu của Quỹ Văn hiến Việt Nam sẽ tập trung cho các hoạt động:
– Phối hợp với một số cơ quan Nhà nước và một số tổ chức chính trị xã hội để lựa chọn, biểu dương, vinh danh những cá nhân tiêu biểu (là người Việt Nam) có đóng góp tích cực vào việc gìn giữ và phát triển văn hiến Việt nam. Trao giải thưởng về “Văn hiến Việt Nam” cho cá nhân tiêu biểu.
– Hỗ trợ cho những tổ chức và cá nhân tham gia tích cực vào việc sưu tầm, biên soạn, phục dựng, bảo tồn và phát triển các giá trị vật chất và tinh thần của xã hội và con người Việt Nam truyền thống.
– Hỗ trợ việc truyền thông, xuất bản các công trình khoa học có liên quan đến việc gìn giữ và phát triển văn hiến Việt Nam.
– Hướng tới việc xin tài trợ cho từ một đến hai chương trình nghiên cứu khoa học về phát triển văn hiến Việt Nam (Có thể là một chương trình nghiên cứu về cư dân và văn hóa biển đảo Việt Nam, chương trình về văn hóa quản lý xã hội của người Việt, mỗi chương trình có khoảng 5 đề tài)
– Hỗ trợ các hoạt động thực tiễn, các hội thảo khoa học về gìn giữ và phát triển văn hiến Việt Nam và hợp tác quốc tế.
– Lựa chọn và cấp học bổng cho những sinh viên xuất sắc trong những ngành học có liên quan tới việc giữ gìn và phát triển văn hiến Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học, các nhà văn hoá, nhà hoạt động xã hội và một số doanh nhân bày tỏ việc ủng hộ, đồng lòng và kỳ vọng vào các hoạt động ý nghĩa của Quỹ Văn hiến Việt Nam. Vì gìn giữ và phát triển văn hiến Việt Nam, nền văn minh Việt Nam là trách nhiệm của mỗi công dân đối với các thế hệ tương lai.
Theo giadinhmoi.vn