Bên cạnh đó, bắt đầu từ thời Lý, truyền thống yêu nước trong văn học hình thành và phát triển trong các giai đoạn sau. Chủ đề yêu nước trong mỗi tác phẩm thể hiện ở những cung bậc trầm hùng khác nhau nhưng ý nghĩa chung nhất vẫn là tiếng nói lạc quan, mang tính thời đại, tiếng nói tự hào của một dân tộc đang vượt qua nhiều thử thách. Trong đó đáng phải kể đến là Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn khi triều Lý quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, mở ra thời kỳ định đô lâu dài tại vùng đất địa linh nhân kiệt Thăng Long – Hà Nội. Với tư cách là một tác phẩm văn học, Chiếu dời đô đánh dấu một bước nhận thức quan trọng trong tư duy của vị vua nhà Lý nói riêng của dân tộc ta nói chung về những vấn đề kinh tế, chính trị và văn hoá do đời sống thực tiễn đặt ra, trước hết đó là vấn đề tiền đồ phát triển của đất nước và sự thống nhất đất nước. Những nội dung tư tưởng trong Chiếu dời đô đã phản ánh tư duy chiến lược, tầm nhìn xa trông rộng của vị vua đầu nhà Lý trên tất cả các lĩnh vực. Khi lựa chọn Đại La làm kinh đô của nước Đại Việt, Lý Công Uẩn đã nhận thấy nơi đây “ở giữa khu vực trời đất, được thế hồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tốt tươi phồn thịnh… thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”. Chiếu dời đô thực sự là một áng văn cổ có giá trị lịch sử, văn chương bất hủ cho văn học nước ta những ngày đầu dựng nước.
Cùng với Chiếu dời đô, bài thơ Nam quốc sơn hà – bản “tuyên ngôn độc lập” đầu tiên được coi là của Lý Thường Kiệt (?) cũng là một trong những áng văn bất hủ khẳng định chủ quyền dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ của Đại Việt. Nam quốc sơn hà nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khai thủ bại hư. Hiện nay vẫn có những ý kiến tranh luận xoay quanh việc ai là tác giả thật sự của “bản tuyên ngôn độc lập” đầu tiên này, nhưng thiết nghĩ, dù tác giả bài thơ có là ai đi nữa, một vị quan, một vị thần hay một người dân, người lính bình thường nào thì đây cũng là một “di sản” vô giá của nền văn chương Việt Nam bởi những giá trị nội dung tư tưởng của bài thơ. Bài thơ đã khẳng định chủ quyền của dân tộc và tinh thần độc lập, tự tường, quyết tâm bảo vệ đất nước của ông cha ta từ xa xưa. Có thể nói, văn học thời Lý để lại những tác phẩm quan trọng gắn liền với sự trưởng thành và phát triển của dân tộc trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.
Một thành tựu quan trọng của văn học thời Lý đó là ghi nhận của việc bắt đầu xuất hiện chữ Nôm. Nhà nghiên cứu Đào Duy Anh đã tìm thấy những chứng tích xưa về sự xuất hiện của chữ Nôm trong tấm bia chùa Tháp Miếu huyện Yên Lãng đời Lý Cao Tông năm 1210. Về cơ bản chữ Nôm vẫn mượn nguyên chữ Hán nhưng đọc theo âm Hán Việt hoặc đọc theo âm xưa. Vậy nên chữ Nôm ở thời Lý và cả thời Trần về sau đều được gọi là chữ Quốc ngữ hay chữ Quốc âm. Có thể nói sự xuất hiện của chữ Nôm đã khẳng định sự phát triển vượt bậc về tư duy, ý thức tự tôn dân tộc và tinh thần độc lập tự chủ của dân tộc ta. Về phương diện văn hoá đó là sự khẳng định một nền văn hoá mang bản sắc Đại Việt, tách dần những ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa.
Nhìn chung, tính chất trang trọng trong ngôn ngữ biểu hiện, tính uyên bác trong chiều sâu tư tưởng… khiến cho văn học đời nhà Lý trở thành một đỉnh cao, ảnh hưởng sâu rộng đến đời Trần mà gần nhiều thế kỷ văn học trung đại nối tiếp khó bề sánh kịp. Tuy mức độ ảnh hưởng và quảng bá văn chương không đi sâu vào tầng lớp bình dân nhưng văn học đời Lý vẫn khẳng định được giá trị bác học độc đáo của mình. Đồng thời văn học thời Lý cũng đã xác định cho mình một lãnh địa riêng, một bản lĩnh văn hoá đủ sức đương đầu với những ảnh hưởng của văn hoá ngoại bang. Đó chính là những giá trị trường tồn của văn học nước ta thời Lý.
Nguồn tin: TTĐT Nhà xuất bản Hà Nội