GS, TS Đặng Cảnh Khanh
– Chủ tịch Hội đồng khoa học Quỹ Văn hiến Việt Nam
Tại Hội thảo “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô văn hiến – văn minh – hiện đại”, GS, TS Đặng Cảnh Khanh – Chủ tịch Hội đồng khoa học Quỹ Văn hiến VN, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên đã có những luận bàn hết sức sâu sắc về xây dựng không gian văn hóa đặc trưng cho Thăng Long – Hà Nội thời hiện đại.
Từ văn hóa đến văn minh và văn hiến
Cụ thể, GS, TS Đặng Cảnh Khanh bày tỏ: Để bàn về khái niệm văn hiến, chúng ta không thể không trở lại, làm rõ hơn về khái niệm văn hóa. Văn hóa là khái niệm mà xưa nay vẫn nằm trong số những từ vựng mà có nhiều cách hiểu khác nhau, cũng như dễ gây tranh luận nhất trong ngôn ngữ học.
Nhiều tới mức mà giáo sư Vũ Khiêu, một học giả lớn về triết học, mỹ học văn hóa học có lần đã từng nói đùa rằng nếu có bao nhiêu người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa thì cũng có tới bấy nhiêu cách giải thích về văn hóa.
Trước đây, đã có thời kỳ người ta chỉ xem văn hóa như một yếu tố phụ thuộc và bị động một cách tiêu cực vào kinh tế, chính trị, thì hiện nay nó ngày càng tỏ rõ vị trí vai trò, chức năng của mình, đã trở thành một động lực và mục tiêu cho sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội nói chung.
Văn hóa đã có mặt ở mọi nơi, thâm nhập mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và thực sự đã trở thành một nhu cầu cấp thiết gắn liền với cuộc sống mỗi người, mỗi dân tộc và cả loài người. Trong các lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn, một hướng tiếp cận mới mẻ, rộng mở và rõ ràng hơn về văn hóa cũng đang dần dần định hình.
Nếu trước đây khái niệm văn hóa thường chỉ được hiểu hẹp trong giới hạn các hoạt động văn học, nghệ thuật thì ngày nay văn hóa được hiểu theo nghĩa rộng hơn, là tổng thể các hệ thống giá trị bao gồm cả các mặt tình cảm, tri thức, vật chất và tinh thần của xã hội. Văn hóa không chỉ đơn thuần bó hẹp trong các hoạt động sáng tác nghệ thuật mà bao hàm cả phương thức sống, những quyền cơ bản của con người, truyền thống, tín ngưỡng.
Theo cách hiểu này, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng dân tộc và nhà văn hóa lớn của thế giới, cách đây hơn nửa thế kỷ đã từng khẳng định rằng: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng.
Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.
Nói về nguồn gốc của văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn nó với những nhu cầu sinh tồn và phát triển của con người. Con người không thể tồn tại nếu như không phát huy được khả năng của mình để sáng tạo và phát minh, để đối phó với mọi thử thách của thiên nhiên, xã hội và từ đó tạo ra toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần cho cuộc sống của mình và con cháu mình sau này.
Với tầm nhìn rộng lớn ấy, chúng ta lại thấy ngay từ cách đây hơn 50 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một điều mà trong những năm gần đây chúng ta mới thấy ngày càng được nhấn mạnh hơn. Đó là mối quan hệ mật thiết giữa văn hóa với chính trị và kinh tế. Bác cũng đã chỉ rõ rằng mọi hoạt động văn hóa không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị. Theo đó, văn hóa không chỉ là sản phẩm thụ động của kinh tế và chính trị, mà văn hóa còn tác động ngược trở lại một cách mạnh mẽ vào kinh tế và chính trị.
Quan điểm toàn diện và sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa đã có ý nghĩa cực kỳ lớn lao trong sự nghiệp văn hóa của dân tộc ta ngày nay. Nó phải được coi như là một nền tảng lý luận và phương pháp luận quan trọng, như là ánh sáng soi đường cho chúng ta khi đi vào tìm hiểu một cách toàn diện về văn hiến Thăng Long.
GS cũng làm rõ thêm mối quan hệ giữa văn hóa, văn hiến, văn minh và văn vật. Văn hiến Thăng Long chính là sự kết tinh, sự thu nhỏ của văn hiến dân tộc và là biểu hiện tập trung nhất của nền văn hiến dân tộc ấy. Chính vì vậy, nói tới văn hiến Thăng Long là nói tới văn hóa Thăng Long kết hợp với kẻ sĩ Thăng Long, những hiền tài của đất Thăng Long vậy.
Nằm trên một vùng đất đai phì nhiêu, trung tâm của châu thổ Sông Hồng, mảnh đất Thăng Long – Hà Nội đã mang trong mình tính quy tụ tự nhiên về cả địa lý và nhân học, về chính trị kinh tế và văn hóa con người.
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, người có nhiều công trình nghiên cứu về Hà Nội đã cho rằng Hà Nội chính là trung tâm, “là chốn hội tụ của hầu hết các đầu mối giao thông ở đồng bằng Bắc Bộ”… Cũng theo ông, điều quan trọng hơn là Hà Nội trở thành một trung tâm tôi luyện những nhân tài cho đất nước. “Qua sông nước và qua các nẻo đường, Hà Nội nhận nhân tài, vật lực từ bốn phương về, rồi đào luyện, nâng cao gửi lại cho bốn phương”.
Thăng Long – Hà Nội, một mặt là nơi tiếp thu, chắt lọc, lưu giữ và phát triển tinh hoa văn hóa của các vùng khác, nhưng một mặt khác lại ảnh hưởng tới sự phát triển văn hóa của toàn khu vực.
Tính chất hội tụ, tiếp biến và sáng tạo văn hóa cũng khiến cho văn hóa Thăng Long – Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa. Với những ưu thế của một khu vực kinh đô, nơi tập trung những cơ quan quản lý và điều hành đất nước, Thăng Long – Hà Nội cũng là nơi sản sinh và phát triển xu hướng hàn lâm, bác học trong văn hóa. Nó thực sự là mảnh đất đào tạo và tôi luyện ra những nhân tài cho đất nước. Về phương diện này, chính môi trường Thăng Long – Hà Nội cũng tạo cho con người sống tại Thăng Long một mảnh đất tốt để phát triển tài năng của mình, cống hiến cho Thăng Long – Hà Nội và đất nước.
Giữ gìn và phát huy các giá trị của văn hiến Thăng Long
GS nhận định, đã hơn một nghìn năm trôi qua rồi, kể từ khi tổ tiên chúng ta chọn Thăng Long làm Thủ đô của đất nước. Sự phát triển của Thăng Long cũng là biểu trưng cho sự phát triển của đất nước. Thăng Long cũng chính là sự kết tinh của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo của Việt Nam, là kết tinh của văn hiến Việt Nam.
Văn hóa và con người ấy thể hiện trong sự nghiệp đoàn kết, sản xuất và chiến đấu. Văn hiến Thăng Long là nền tảng tinh thần cho sự phát triển của xã hội con người Thăng Long và rộng ra là của cả nước. Con người Thăng Long phát huy truyền thống tinh hoa văn hóa từ xa xưa của dân tộc và thành tựu về mọi mặt của cả nước để cùng cả nước xây dựng nền văn hiến của dân tộc Việt Nam và Thủ đôThăng Long – Hà Nội.
Chúng ta hôm nay đang đi vào công cuộc xây dựng công nghiệp hóa và hiện đại hóa, tạo nên những thay đổi mới trên mảnh đất Thủ đô cũng như trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tổ tiên ta từ xa xưa đã dồn toàn bộ tâm huyết, trí tuệ và tài năng để tồn tại trên mảnh đất này, để mưu cầu sự phồn vinh, hạnh phúc và truyền lại cho muôn đời con cháu những di sản quý báu về văn hiến Việt Nam và văn hiến Thăng Long.
Vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm nghiên cứu, tìm hiểu những di sản quý báu đó, trước hết là tìm thấy nền tảng cơ bản của những di sản ấy, phân tích những yếu tố cấu thành, những nguyên nhân lịch sử đã tạo nên văn hiến Việt Nam và văn hiến Thăng Long.
Chính việc dời đô của Lý Công Uẩn đã mở đầu cho một thời kỳ ổn định về chính trị, củng cố và phát triển kinh tế – xã hội, là sự mở đầu cho việc xây dựng nền móng cho văn hiến của dân tộc ta và đặc biệt là văn hiến Thăng Long. Lịch sử đã trao cho mảnh đất Thăng Long-Hà Nội sứ mệnh làm trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của cả nước.
Đó là vinh dự của mảnh đất và con người Thủ đô. Chúng ta, những người Hà Nội sẽ quyết tâm giữ gìn, phát triển và truyền lại những giá trị tốt đẹp của văn hiến Thăng Long không phải chỉ cho các thế hệ tương lại của Thủ đô mà còn cho cả đất nước.
Trên cơ sở đó, GS TS Đặng Cảnh Khanh đã đưa ra ý kiến đề xuất xây dựng không gian văn hóa đặc trưng cho Thăng Long – Hà Nội ngày nay trên 4 chiều cạnh sau: Cộng cảm tức là lan tỏa của không gian văn hóa. Hà Nội có trách nhiệm với cả nước, cả nước cũng có trách nhiệm với Hà Nội. Điều đó vừa giữ được chất của Thăng Long – Hà Nội vừa bắt kịp xu thế của thời đại ngày nay.
Sáng tạo: Là nơi đào tạo ra hiền tài của quốc gia nên Thăng Long xưa và Hà Nội nay phải là trung tâm của sự sáng tạo văn hóa. Hà Nội đã, đang và tiếp tục tạo điều kiện để phát triển tốt và sáng tạo tốt nhất trên lĩnh vực giáo dục, quản lí.
Nhân văn: Cùng nhau chống lại cái phản văn hóa để sáng tạo nên không gian văn hóa riêng cho Hà Nội trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.
Lịch đại: Phải kế tục những nét đẹp của Thăng Long cổ xưa, giữ được nét thanh lịch của Thăng Long xưa, hiện đại hóa lên thành những nét đẹp tầng lớp văn hóa của Hà Nội ngày nay.
Nhận định về tham luận của GS, TS Đặng Cảnh Khanh, GS, TS Hồ Sĩ Quý đánh giá: Bài viết công phu, rất có ý nghĩa với nhiều tài liệu quan trọng. Văn hiến có nghĩa là nói đến trí và nhân, hiền tài có ý nghĩa với sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Bài viết nhấn mạnh về bản sắc Hà Nội chính là sự đan xen khó tách biệt và bản sắc ấy cần phải được phát huy, tận dụng nhiều nguồn lực để phát triển trong thời hiện đại.
PGS. TS Nguyễn Chí Mì cũng bày tỏ: GS Đặng Cảnh Khanh bàn rất sâu về văn hiến, văn minh, văn vật. Văn hóa là cả quá trình phát triển, đi sau không phủ định mà càng tôn vinh cái đi trước. Người Hà Nội hiểu văn hiến lâu nay chính là các yếu tố cấu thành. Cụ Vũ Khiêu cực kì tâm huyết và văn hóa Hà Nội với nhiều tập sách và cũng phát triển nhiều ý tưởng của cụ Nguyễn Trãi. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả những phát minh, sáng tạo vì mục đích cuộc sống chính là văn hóa. Đó là con người, mà con người tập trung tiêu biểu ở tài hoa, hiền tài.Ngày nay, Hà Nội tiếp tục chú ý đào tạo, phát triển những hiền tài hay chính là nguồn nhân lực cao để kế thừa, phát huy tinh thần ấy một cách sâu sắc nhất. Đặc điểm hiện tại là phải chú ý đến 3 yếu tố: Khoa học hiện đại, hội nhập; Toàn cầu hóa và Nền kinh tế tri thức hướng tới nền cách mạng công nghiệp văn hóa.
Theo Ngọc Hân – Báo Tuổi trẻ Thủ đô