Vì sự ổn định của gia đình và xã hội để phát triển đất nước

0
807

GS,TS Lê Thị Quý
Chủ tịch Quỹ Văn hiến Việt Nam

            Nhân dịp kỷ niệm 27 năm thiết lập quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc ở cấp cao nhất và trước thềm năm mới 2020,  Ngày 19/12, Trung tâm Giao lưu văn hóa Việt- Hàn tại Hà Nội, đơn vị đã thực hiện chương trình giáo dục Trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc cho phụ nữ Việt Nam hơn 10 năm qua đã tổ chức lễ kỷ niệm trọng thể.

        Việt Nam và Hàn Quốc là hai nước láng giềng có hoàn cảnh lịch sử khá đặc biệt: cùng là nước không lớn, cùng theo Nho giáo, cùng bị chia cắt đất nước nhiều năm. Năm 1225 ( thế kỷ XIII) khi nhà Trần cướp ngôi nhà Lý, giết tôn thất trong hoàng tộc, có một vị hoàng tử Việt Nam là Lý Long Tường (Yi Yong-sang) vượt biển đưa cả gia tộc và thuộc hạ gồm sáu ngàn người sang Cao Ly (Hàn Quốc) lánh nạn ( thời vua  Cao Tông ) và trở thành ông tổ của dòng họ Lý Hoa Sơn (Hoa Sơn Lý thị) ngày nay tại Hàn Quốc. Tại đây Lý Long Tường cùng tướng sĩ, gia thuộc trồng trọt, đánh cá, chăn nuôi. Ông cho mở trường dạy văn võ, học trò theo học rất đông, lúc nào cũng trên nghìn người. Năm 1232 và 1253, hai lần Lý Long Tường lãnh đạo tướng sĩ đẩy lui quân xâm lược Nguyên Mông bằng cả đường thủy và đường bộ. Sau chiến công này, Vua Cao Ly  phong Lý Long Tường làm Hoa Sơn Tướng Quân. Nhân dân gọi ông là Bạch Mã Tướng Công.

GS Lê Thị Quý giảng bài về chủ đề Văn hóa cho lớp trải nghiệm văn hóa Việt Hàn
GS Lê Thị Quý giảng bài về chủ đề Văn hóa cho lớp trải nghiệm văn hóa Việt Hàn

      Thời kỳ hiện đại, từ 1975 – 1982, Việt Nam và Hàn Quốc bắt đầu có quan hệ buôn bán tư nhân qua trung gian, và tới năm 1983 thì bắt đầu có quan hệ buôn bán trực tiếp và một số quan hệ phi chính phủ. Những năm sau đó, sự hợp tác toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa đã đưa hai nước tới gần nhau hơn. Về chính trị, hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao và các cấp, các ngành đã giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tăng cường quan hệ hợp tác song phương. Cho đến năm 1990, khi Việt Nam đã thực hiện chính sách mở cửa thì mối quan hệ này đã dần tốt hơn, đồng thời sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Hàn Quốc thì  các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư theo diện rộng vào kinh tế, giáo dục, văn hóa, đặc biệt là các chương trình  phim ảnh,  truyền hình, âm nhạc. Về kinh tế, Hàn Quốc đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam, luôn đứng trong danh sách nhóm 5 nước có quan hệ kinh tế quy mô lớn nhất với Việt Nam. Về văn hoá giáo dục, hai nước đã ký Hiệp định Văn hoá tháng 8/1994 cùng nhiều thoả thuận hợp tác giao lưu văn hoá, nghệ thuật. Nhiều người Việt Nam đã tốt nghiệp đại học, cao học, tiến sỹ tại Hàn Quốc. Tháng 9/1994 Việt Nam thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc. Năm 2001 Hàn Quốc thành lập Hội Giao lưu Hữu nghị Hàn Quốc Việt Nam.

         Việt Nam còn được biết đến là một quốc gia Đông Nam Á gần gũi nhất với Hàn Quốc bởi nét đặc trưng về văn hóa, phong tục tập quán. Hình ảnh, văn hóa, lối sống kiểu Hàn Quốc cũng thâm nhập vào cuộc sống của người Việt và phía Hàn Quốc cũng bị hình ảnh Việt Nam chinh phục, ngày càng nhiều người Hàn như trí thức, doanh nhân, nghệ sĩ đã chọn Việt Nam làm điểm đến để sinh sống và lập nghiệp.

GS Lê Thị Quý trong một lớp học trải nghiệm văn hóa Việt Hàn
GS Lê Thị Quý trong một lớp học trải nghiệm văn hóa Việt Hàn

        Tình hữu nghị càng thân thiết hơn khi trong trận đấu chung kết bóng đá SEA Games  30 ngày 11-12- 2019 vừa qua, hai lá cờ Việt Nam – Hàn Quốc cùng với ảnh của huấn luyện viên Park Hang Seo được cổ động viên Việt Nam giương cao trên khán đài Philippine. Hiện tượng “Park Hang Seo” là hình ảnh đẹp tại Việt Nam và nhân dân Việt Nam đã coi ông như người thân ruột thịt của mình. Chính quyền quận Sancheong, tỉnh Nam Gyeongsang  nơi huấn luyện viên Park Hang-seo chào đời đã dự kiến chi 4 tỷ won (Tương đương 3,39 triệu USD) để xây dựng một ngôi làng Việt Nam nhằm thu hút khách du lịch vào năm 2021. (Bảo Ngọc Theo Yonhap, trích lại từ VnExpress, 12/12/2019)

         Từ năm 2001 đến nay, cùng với các nước khác, hiện tượng cô dâu Việt Nam xây dựng gia đình với chú rể Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng. Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, năm 2001 chỉ có 134 cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc, đến năm 2018 là hơn 7.600 người, đứng đầu danh sách các cô dâu ngoại ở Hàn Quốc (Korea Times).

         Tình trạng mất cân bằng giới tính và phát triển dân số chậm trong những năm gần đây ở các nước phát triển trong đó có Hàn Quốc khá nghiêm trọng do nhiều phụ nữ không tha thiết với việc lập gia đình và sinh đẻ. Nhiều đàn ông nghèo không có cơ hội ấy vợ đồng hương vì chi phí đắt đỏ. Chính sách tự do kết hôn với người ngoại quốc đã ra đời đáp ứng nhu cầu chính đáng của con người và xây dựng các gia đình đa văn hóa. Chính quyền Hàn Quốc đã có nhiều chính sách làm lành mạnh hôn nhân quốc tế.

        Trong khi đó, ở các nước nghèo hơn như Việt Nam, việc các cô gái nghèo hướng ngoại để “ đổi đời “ ngày càng nhiều. Các cuộc hôn nhân ào ạt do môi giới ngày càng phát triển và đã gây ra các xáo trộn không nhỏ cho các gia đình và xã hội Hàn Quốc. Việc các cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc hiện nay không chỉ là một biểu hiện của gia đình đa văn hóa mà còn là một hiện tượng mang tính lịch sử thắt chặt thêm tình hữu nghị Việt Hàn. Ngoài các cô dâu còn có những phụ nữ Việt muốn sang Hàn Quốc tìm việc làm, các sinh viên sang học tập, phụ nữ nghèo muốn tiếp cận hiểu biết về Hàn Quốc để có cơ hội việc làm… Những nhu cầu chính đáng của phụ nữ đã được Trung tâm giao lưu văn hóa Việt Hàn (KCCC) đáp ứng bằng sáng kiến mở các lớp dạy cho các cô dâu sắp về nhà chồng định cư và những phụ nữ khác muốn học hỏi về Hàn Quốc một lớp học hai tuần về ngôn ngữ, phong tục, lối sống, văn hóa, ứng xử, ẩm thực, kiến thức về sinh sản… để các cô nhanh chóng làm quen và hòa nhập với gia đình và xã hội Hàn Quốc. Các kiến thức đầu tiên này rất quan trọng đã khiến các cô bớt bỡ ngỡ, chủ động trong những năm tháng đầu tiên sống ở Hàn Quốc, xây dựng gia đình bền vững, tránh rủi ro, đổ vỡ. Việc làm của Trung tâm nhằm mục tiêu góp phần tạo sự ổn định của gia đình và xã hội Hàn Quốc để  phát triển đất nước, đặc biệt là phát triển kinh tế, văn hóa,. Ý nghĩa to lớn của việc này đã nhận được sự giúp đỡ, đồng hành của một số nhà tài trợ là SAM SUNG, KOICA… Các nhà tài trợ đã có những đóng góp quý báu cho chương trình đã không chỉ giúp đỡ phụ nữ Việt Nam mà còn giúp đỡ các gia đình và xã hội Hàn Quốc.

GS Lê Thị Quý với các cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc tháng 10 năm 2019 ( Người ngồi thứ tư từ trái sang)
GS Lê Thị Quý với các cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc tháng 10 năm 2019 ( Người ngồi thứ tư từ trái sang)

          Trung tâm giao lưu văn hóa Việt Hàn là tổ chức hoạt động trên đất Việt Nam do vợ chồng TS Sim Sang Joon làm giám đốc và Bà  Kim Young Shin làm phó giám đốc. Phía Việt Nam có bà Ngô Thị Trinh làm phó giám đốc. Ngoài ra Trung tâm còn có đội ngũ giáo viên người Việt và người Hàn. Trung tâm đã thực hiện các hoạt động phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo cho Việt Nam từ năm 2006 như xây dựng trường học, nhà văn hóa, trao tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó…Từ năm 2007, song song với các dự án trên, KCCC đã tổ chức các khóa học trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc. Để thực hiện dự án này KCCC luôn nhận được tài trợ của các công ty và các nhà hảo tâm người Hàn Quốc. Từ tháng 3/2017 đến tháng 12/2019 , KCCC đã được tổ chức KOICA tài trợ để tổ chức các khóa học. Đến nay KCCC đã thực hiện đến khóa học thứ 66, với gần 2.000 phụ nữ đã tham gia các khóa học trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc, trong đó có hơn 700 học viên đã tham dự vào dự án của KOICA.

         Từ những năm đầu tiên, Trung tâm đã phối hợp với Viện nghiên cứu Giới và Phát triển của Việt Nam do GS,TS Lê Thị Quý làm Viện trưởng trong các chương trình giảng dạy trực tiếp về văn hóa cho các học viên, phân tích sự tương đồng và khác biệt giữa văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc và cách ứng xử văn hóa, tuân thủ pháp luật của phụ nữ Việt Nam khi sống ở Hàn Quốc. Tất cả các học viên đều thấy phấn khởi khi được trang bị những kiến thức quý báu để làm hành trang sang Hàn Quốc.

         Những việc làm tốt đẹp của Trung tâm đã góp phần xây dựng tình hữu nghị Việt –Hàn mãi phát triển bền vững.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây