Nạn tham nhũng và những kẻ tội phạm với vẻ ngoài lịch lãm, hiền lành
Thưa giáo sư, tham nhũng mang bản chất là những hành vi phi pháp, gắn liền với sự lạm dụng và tha hóa về quyền lực. Là một nhà nghiên cứu Xã hội học nhiều năm, theo ông, căn nguyên của tham nhũng là từ đâu?
– Nói đến tham nhũng trước hết cần phân tích đôi chút về cơ sở khoa học mà người ta đã đặt ra cho vấn đề này. Émile Durkheim, nhà xã hội học nổi tiếng được coi là cha đẻ của Xã hội học Pháp, ngay từ thế kỷ XIX, đã xây dựng “lý thuyết về sự sai lệch xã hội”. Durkheim cho rằng mọi xã hội đều có cấu trúc của nó, bởi vậy mỗi bộ phận của xã hội như là các cá nhân, nhóm và cộng đồng đều phải tuân thủ vị trí vai trò và các chức năng của mình, nếu không xã hội sẽ bị sai lệch. Với tinh thần như vậy, tham nhũng chính là những hành vi sai lệch về vị trí vai trò và chức năng, khi những kẻ có quyền lực lại tham ô, nhũng nhiễu nhân dân để làm lợi cho bản thân và gia đình.
Tất nhiên đó là trên lý thuyết. Để nhận biết cụ thể thật chẳng đơn giản chút nào. Ví dụ như chỉ một sự phân biệt thế nào là “tiền hối lộ”, thế nào là “tiền cảm ơn” cũng đã là quá phức tạp rồi. Trong vụ Việt Á, có trường hợp được xem là nhận “tiền cảm ơn”, thế mà sự “cảm ơn” này sao khủng khiếp đến thế, một lần nhận với mức 200.000 USD, tức là nhiều hơn cả tài sản làm việc suốt đời của một lao động bình thường rồi…
Có một lần tôi đi xe ôm, khi đến nơi lấy tiền ra trả thì anh chàng lái xe bỏ khẩu trang ra và nhỏ nhẹ: “Em chào thầy ạ”. Hóa ra đó là một sinh viên của tôi, một sinh viên vốn học rất kém. Anh chàng dứt khoát không nhận tiền, còn tôi thì cương quyết trả. Hóa ra anh ta học kém là vì sự kiếm sống vất vả này đây. Nhìn mắt của anh đỏ hoe và đầy sự chân thành, tôi không nỡ từ chối sự “cảm ơn” giản đơn mà anh học trò nghèo dành cho thầy của mình. Chuyện thì chỉ có thế mà tôi cứ day dứt mãi…
Ngày xưa một vị quan nổi tiếng thanh liêm là Đặng Huy Trứ, chỉ ở căn nhà “tường kẽ vách bung, nhà khe mái dột” đã dành tâm huyết viết riêng một cuốn sách về chống tham nhũng có tên là “Từ thụ yếu quy”, đề cập đến những nguyên tắc chủ yếu cho việc không nhận và nhận quà biếu. Trong sách, ông tính ra rằng trong quan trường có tới 104 thủ đoạn hối lộ khác nhau. Để chống lại việc hối lộ, ông khuyên các quan chức hãy tùy tâm mà ứng xử cho đúng đạo lý, bởi vì “Mình thiệt, dân lợi, dân gắn bó. Đẽo dân, mình béo, dân căm hờn. Hờn căm, gắn bó tùy ta cả…”. Ông còn bảo “Không chăm sóc nổi dân thì chớ có mà ra làm quan”. Từ đây ta có thể thấy chống tham nhũng là khó khăn thế nào, bởi vì trước hết nó phải chống lại chính mình, chính sự ham muốn của mình. Bên cạnh đó thì việc chống tham nhũng lại không hề đơn giản. Bởi những kẻ tham những thường nắm nhiều quyền lực, thậm chí là quyền sinh, quyền sát.
Bởi vậy theo tôi, chúng ta cần phải có những nghiên cứu đầy đủ hơn về hiện tượng này, phải có được cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng một chiến lược lâu dài cho công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo ông, vì sao có rất nhiều người giàu, ở đỉnh cao quyền lực nhưng vẫn tham nhũng?
– Tham nhũng bao giờ cũng để lại những hậu quả vô cùng trầm trọng. Nó là dịch bệnh, một thứ virus có khả năng lây lan mạnh mẽ, gặm nhấm xã hội, phá vỡ mọi sự gắn kết con người, thách thức pháp luật, hủy hoại đạo đức với một tốc độ lây lan thật đáng gờm. Theo số liệu ghi nhận, trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có 270 tổ chức Đảng, gần 10.000 đảng viên, trong đó có gần 4.000 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.
Con số nêu trên, khiến mọi người Việt Nam đều đau lòng, nhất là những người tâm huyết, có lòng tự trọng, đã tham gia đóng góp trung thực cho công cuộc phát triển đất nước. Nó cũng đặt ra câu hỏi là tại sao nhiều người có đầy đủ quyền lực, không thiếu gì tiền bạc, đãi ngộ từ Nhà nước, nhân dân, không đến mức phải lăn lộn chỗ này, chỗ kia để kiếm sống mà vẫn dính vào tham nhũng.
Trước hết cũng phải nói rằng, không phải người giàu có, ở đỉnh cao của tiền bạc và quyền lực đều tham nhũng. Có những người giàu nhất nhì thế giới như tỷ phú Warren Buffett còn nổi danh là nhà từ thiện khi đã tặng tới 99% giá trị tài sản của mình cho hoạt động trợ giúp xã hội. Tuy nhiên, không phải ai cũng có quan niệm như vị tỷ phú này.
Thực tế cho thấy, thời đại nào cũng vậy, những nhu cầu và mong ước của con người luôn là vô hạn và bao giờ nó cũng lớn hơn khả năng đáp ứng của xã hội. Xã hội càng phát triển, nhu cầu của con người lại càng lớn. Bởi vậy xã hội cần tới sự cân bằng giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng của xã hội, tức là cần đến sự công bằng trong việc đáp ứng nhu cầu. Để đảm bảo công bằng xã hội, mọi thành viên xã hội đều cần phải tiết chế những nhu cầu của cá nhân mình.
Nguyên nhân gây ra tham nhũng trước hết là do trong xã hội có nhiều kẻ chỉ nghĩ đến bản thân và muốn phá vỡ sự công bằng này. Họ muốn lợi dụng tất cả các cơ hội để mình vượt lên người khác, được đáp ứng những nhu cầu mà lẽ ra là của người khác, của chung xã hội… Ngày xưa, như các cụ ta thường nói “lòng tham là vô đáy”, “được voi đòi tiên”, tức là đối với người đã có lòng tham thì bao nhiêu tài sản, tiền bạc, danh vọng cũng là không đủ. Với những người này, “đồng tiền là Tiên là Phật”, với họ, sự giàu sang là hạnh phúc cao nhất. Nó mang lại cho họ cái mà họ nghĩ là “niềm vui” và sự “nể sợ” của xã hội.
Tham nhũng – kết quả của sự tổng hợp Lòng tham, quyền lực và cơ hội
Ông có lý giải được vì sao mà việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực lâu nay lại khó khăn, không diệt được tận gốc như vậy không?
– Phòng chống tham nhũng xưa nay đều rất khó khăn. Ở nơi đâu cũng vậy thôi, kẻ tham nhũng giống như những con đỉa tham lam đeo bám dai dẳng vào xã hội. Nó tận dụng mọi kẽ hở, chui vào mọi ngóc ngách, mọi chỗ mềm yếu, lừa đảo, gài bẫy bằng đủ mọi thủ đoạn, cám dỗ người ta bằng những viên đạn bọc đường, bằng sự mĩ miều, ngọt ngào, bỏ ra chút ít vật chất để rồi thu về ngồn ngộn lợi tức. Tất cả những gì xấu xa nhất, vô liêm sỉ nhất trong quan hệ giữa người với người đều được kẻ tham những vận dụng. Chúng tấn công vào những người trung thực, lôi kéo vào vòng xoáy tham nhũng những người yếu bản lĩnh, ngay cả những người được ăn học tử tế, có địa vị cao cũng khó mà thoát khỏi được sự cám dỗ này… Chúng làm mục ruỗng cả những bức tường tưởng như vững chắc nhất của xã hội.
Tham nhũng luôn đồng hành với những người có quyền lực. Người có lòng tham nếu không có quyền hành thì cũng khó tham nhũng được. Ngày xưa người ta cũng cho rằng nếu là dân thường có tham lắm cũng chỉ là “vơ bèo vạt tép”, “gà nhà ăn quẩn cối xay” thôi, cùng đường thì cũng chỉ đi làm trộm, cướp. Cũng vì thế mà trong nhân gian lại còn có câu này nữa: “Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan”. Kẻ trộm cướp thì phải lợi dụng đêm tối mà lén lút hành sự, còn quan tham khi có quyền lực thì lại có thể giữa ban ngày ban mặt, dùng một vài thủ đoạn là có thể tha hồ vơ vét.
Phải chăng điều này giúp người ta hiểu rằng tham nhũng là vì có quyền lực và cơ hội?
– Đúng vậy. Chức quyền là cơ sở tiềm tàng để tạo dựng cơ hội và công cụ hành động cho kẻ tham nhũng. Những người dân bình thường, những người lao động “chân lấm tay bùn” mấy khi có điều kiện để tham nhũng. Muốn tham nhũng, người ta cần nhiều tới những địa vị và uy tín xã hội, có sự quan hệ rộng rãi, luồn lách, chạy chọt, có tiền bạc để vào cửa này, ra cửa khác… có cả một hệ thống guồng máy các cấp tay chân bên dưới để mà sai khiến. Nói thẳng ra là trong điều kiện đó, người dân bình thường có muốn tham nhũng cũng chẳng được.
Bởi vậy, việc các nhà nghiên cứu khẳng định rằng “tham nhũng là kết quả của sự tổng hợp giữa ba mặt gắn chặt với nhau: lòng tham, quyền lực và cơ hội” là hoàn toàn chính xác. Thêm và đó là tính cách giả dối, lươn lẹo. Ngoại trừ những người tốt, sống trung thực, thì những mặt này đều có thể quy tụ đầy đủ trong những người có chức quyền, có cương vị xã hội. Cuộc đấu tranh với tham nhũng còn nhiều khó khăn, một phần cũng vì sự “cố thủ vững chãi” ở cái “kiềng ba chân” này của kẻ tham nhũng.
Thêm vào đó, chúng ta cũng không thể không kể đến nguyên nhân từ những kẽ hở của luật pháp, sự thiếu minh bạch của một số khâu quản lý, sự thiếu trách nhiêm, không quyết liệt của chính quyền, sự xuống cấp của các mối quan hệ xã hội, đạo đức… sự bàng quan của một bộ phận xã hội, sự yếu ớt từ các khâu kiểm tra, giám sát của các cộng đồng, cơ quan, đoàn thể, xã hội và người dân.
Như ông nói thì tham nhũng hoàn toàn không phải chỉ là do sự thiếu thốn, mà còn do nhân cách của mỗi con người. Khi đã gắn với chữ tham rồi thì dường như càng giàu người ta lại càng tham. Vậy thì văn hóa, lối sống, nền tảng đạo đức xã hội ảnh hưởng thế nào đến hành vi của cá nhân con người?
– Người xưa bảo “đói cho sạch rách cho thơm”, dẫu có khốn khổ mấy cũng không được làm điều thất đức. Truyền thống của người Việt chúng ta là luôn yêu thương, giúp đỡ người khác. Việc chống chọi với dịch Covid-19 vừa qua đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn tấm lòng cao quý “quên mình vì nghĩa cả” của đại đa số nhân dân như thế nào. Nó khiến chúng ta thật tự hào và xúc động.
Tuy nhiên những kẻ tham lam, ích kỷ trong đó có nhiều quan chức đã không làm như vậy. Bọn chúng đã không chỉ coi những hoạn nạn của cộng đồng là cơ hội tốt để vơ vét cho bản thân mà còn là “con sâu làm ràu nồi canh”, cố tình cổ xúy, làm lan tỏa sự xấu xa vào cộng đồng, làm vẩn đục bầu không khí vốn có bản chất là trong sáng của đạo đức xã hội.
Trong cuộc sống, cái tốt và cái xấu luôn đan xen, tương tác với nhau, chi phối nhận thức và hành vi của con người. Một xã hội lành mạnh, khỏe khoắn có các giá trị sống tốt đẹp sẽ lấn át được những điều xấu xa. Trong một xã hội suy thoái, các mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể lỏng lẻo thì người dân sẽ mất dần niềm tin vào nhau, xã hội sẽ có nguy cơ khủng hoảng. Chúng ta không nên xem nhẹ sự tương tác xã hội này, nhất là những tương tác về văn hóa, lối sống và nhân cách.
Các cụ xưa cũng bảo “Nhân chi sơ tính bản thiện”, tức là con người khi mới ra đời đều lương thiện cả. Thế rồi chính những sự tương tác về lối sống, văn hóa và nhân cách đã dần dà biến họ trở thành người tốt hoặc kẻ xấu. “Gần mực thì đen gần đền thì rạng” mà. Chẳng thế, các cụ xưa cũng rất chú ý đến việc chọn môi trường sống cho gia đình, tìm nơi ăn ở, học tâp, sinh hoạt tốt cho con cháu, chọn nơi gần gũi với các chốn học hành, chữ nghĩa mà xa lánh nơi chơi bời, chợ búa, buôn bán xa hoa.
Bởi vậy chống tham nhũng cũng không thể chỉ là việc trừng trị kẻ vi phạm mà còn là chặn đứng chiếc vòi bạch tuộc xấu xa của chúng. Không để nó vươn sâu vào mọi ngóc ngách xã hội, mọi tầng lớp dân cư, nhất là thanh thiếu niên. Không thể để nó làm thay đổi các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Có phải những sai lầm, sự xuống cấp về đạo đức và quan hệ xã hội có nguyên nhân từ “mặt trái” của kinh tế thị trường? Hay nó bắt nguồn sâu xa từ nền tảng văn hóa đã và đang bị lung lay, từ nhận thức còn hạn chế của con người?
– Trước hết cần phải nhấn mạnh rằng, trong những năm qua, cơ chế thị trường đã mang đến nhiều chuyển biến tích cực cho đất nước, đặc biệt là sự tăng trưởng về kinh tế, sự nâng cao năng suất và chất lượng lao động, sự ổn định và phát triển của thu nhập xã hội và đời sống của người lao động và bao trùm lên đó là một môi trường mới năng động, cởi mở và sáng tạo hơn…
Trong bối cảnh đó, nếu chỉ nói nhiều tới mặt trái của cơ chế thị trường e rằng là chưa thực thỏa đáng.
Về điều này có lẽ chúng ta phải quay trở lại với những quan điểm rất cơ bản đã được Mác nói về kinh tế thị trường. Ông đã từng miêu tả mối quan hệ xã hội trong nền kinh tế hàng hóa, thị trường như là “quan hệ trả tiền ngay, không tình không nghĩa”. Nó có thể “dìm tất cả các mối quan hệ xã hội vào trong lớp băng lạnh giá của sự tính toán vị kỷ”. Bởi vậy chúng ta đã không sai khi cho rằng kinh tế thị trường đã để lại không ít những hình ảnh xấu về sự xuống cấp của đạo đức xã hội mà tham nhũng là một trong số đó.
Tuy nhiên câu hỏi được đặt ra là liệu tất cả những mặt trái trên có phải là do lỗi của kinh tế thị trường hay không? Nếu đúng như vậy thì có cách nào để khắc phục những lỗi đó?
Mọi người đều biết rằng, chúng ta đang thực hiện cơ chế thị trường, nhưng cơ chế này có những điểm khác biệt cơ bản với nhiều nước khác. Kinh tế thị trường ở nước ta được tiến hành trong điều kiện người công nhân và nhân dân lao động đã làm cách mạng và giành được chính quyền, đồng thời cũng làm chủ chính quyền đó. Chính quyền đó có điều kiện tốt nhất để đảm bảo duy trì những lợi ích cho người lao động và cộng đồng xã hội, chống lại những gì xâm hại đến quyền lợi chung của đất nước, nhân dân. Chúng ta có đầy đủ tiềm năng, quyền hạn và năng lực để thực hiện điều đó, chống lại tất cả những gì được gọi là mặt trái của cơ chế thị trường, làm cho văn hóa và xã hội ngày càng lành mạnh hơn.
Về phương diện này, tôi xin khẳng định, chúng ta hoàn toàn có thể chống lại tất cả những thói hư tật xấu, kể cả hiện tượng tham nhũng từ những mặt trái của cơ chế thị trường trên cơ sở huy động sức mạnh của chính quyền nhân dân, các đoàn thể xã hội, cộng đồng, nhóm xã hội, gia đình và của chính người dân.
Theo ông, sự xuống cấp của văn hóa, đạo đức xã hội thời gian gần đây có ở mức đáng báo động hay không?
– Việc đánh giá về sự xuống cấp của văn hóa, đạo đức xã hội gần đây như thế nào còn tùy thuộc và cách nhìn nhận của mỗi người, chỉ biết rằng có khá đông người đã tỏ ra bi quan, khẳng định rằng nó đã ở mức báo động. Tôi rất đồng cảm với những ý kiến lo ngại này. Tuy nhiên tôi lại nằm trong số những người lạc quan hơn.
Có lẽ khi bước vào kinh tế thị trường, chúng ta vẫn còn quá quen với cách tư duy và hành động theo lối bao cấp, chúng ta cũng chưa lường trước được hết những gì mà kinh tế thị trường mang lại. Chúng ta cũng mới chỉ nhìn thấy những mặt tích cực mà chưa nhìn thấy hết mặt trái của nó, chưa thấy rõ hệ quả sự sa sút nhất định trong bao cấp về xã hội, văn hóa và giáo dục, chưa thấy rõ sự canh tranh lợi nhuận tác động thế nào tới các mối quan hệ xã hội…
Chúng ta biết, thời xưa phần lớn các ông thầy đồ dạy cho học trò thi cử đâu có lấy tiền, không buộc họ phải lễ lạt gì ghê gớm. Đến ngày Tết học trò cũng chỉ mang đến lễ thầy con gà, cân gạo, nải chuối là quý rồi. Còn bây giờ, chúng ta muốn cho qua cái này cái khác thì lại phải có phong bì, văn hoá phong bì quá nặng nề, mà đâu phải chỉ có các vị phụ huynh phải lo, ngay cả học sinh tiểu học cũng biết điều này… Nhiều lúc tôi đã rơi nước mắt vì thương cho các em.
Phải có ý thức ngăn chặn những mặt trái của cơ chế thị trường ngay từ đầu. Tôi muốn nêu ví dụ về một thời điểm lịch sử khi nước Nhật chuyển sang kinh tế thị trường. Khi đó, một trong những học giả nổi tiếng, được xem là là cố vấn quan trọng của Minh Trị Thiên Hoàng là ông Shibusawa đã viết cuốn sách có tên là “Luận ngữ và chiếc bàn tính”. Giải thích về cuốn sách của mình, Shibusawa đã nói rằng để phát triển kinh tế, người ta phải rất giỏi về tính toán, kinh doanh mà cụ thể là sử dụng thành thạo chiếc bàn tính. Nhưng như thế vẫn chưa đủ.
Người ta còn phải “ghi xương khắc cốt” những giáo lý đạo đức truyền thống, tức là phải học thuộc cuốn sách dạy đạo đức có tên là “Luận ngữ”. Quan điểm của Shibusawa đã trở thành sự định hướng căn bản cho chiến lược phát triển của Nhật Bản, được phản ánh rất rõ trong công thức “Công nghệ phương Tây cộng với truyền thống Nhật Bản”. Nó có nghĩa, để thực hiện tốt kinh tế thị trường phải giữ vững đạo đức và khi có được đạo đức thì kinh tế thị trường mới thành công và không phá hủy xã hội, văn hóa, con người.
Tôi lạc quan trước tình hình chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta bởi trong xã hội ta ngày nay, những người tốt việc tốt vẫn là rất đông đảo. Họ rất trung thực có tâm huyết. Mặt khác chúng ta cũng có được một tập thể những lãnh đạo rất quyết tâm, sẵn sàng đương đầu với cuộc chiến khốc liệt này. Tổng Bí thư và Đảng ta cũng đã nhìn ra và lường được hệ quả của kinh tế thị trường như thế nào. Ông cũng đã thể hiện rõ ý chí, vai trò của Đảng trong việc chấn hưng lại văn hoá dân tộc, chấn hưng đạo đức và các giá trị truyền thống… Điều đó khiến tôi tin tưởng rằng sớm muộn gì chúng ta cũng thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực để hướng tới một xã hội ngày càng lành mạnh, con người sống với nhau nhân ái hơn.
Luật pháp vẫn chưa đủ nghiêm minh, vẫn còn lỏng lẻo, nhiều kẽ hở?
Theo ông, vai trò của luật pháp trong việc quản lý xã hội là như thế nào. Phải chăng một số quan chức Việt Nam hiện nay “dám” tham nhũng có phải do phần nào thể chế và luật pháp chưa đủ nghiêm minh, vẫn còn lỏng lẻo, nhiều kẽ hở?
– Có lẽ phải nói ngay là để quản lý xã hội, người ta không thể chỉ sử dụng công cụ luật pháp. Bên cạnh pháp trị, người xưa còn nói nhiều đến đức trị, nhân trị, lễ trị… Ông Khổng Tử là người đầu tiên nói đến đức trị, tức là lấy đạo đức mà trị nước. Theo ông thì pháp trị chỉ khiến người ta vì sợ mà không dám làm điều xấu thôi, nhưng khi có thể che dấu, tránh được sự trừng phạt, thì bất cứ điều gì kẻ xấu cũng có thể làm. Đức trị thì khác. Khi mọi cái đều biến thành đạo đức, thành hành vi tự nguyện của người dân, thì họ sẽ không phạm tội nữa. Không phải vì sợ pháp luật mà vì sợ xấu hổ trước người khác, vì sợ bị cắn rứt bởi lương tâm.
Sau này, khi thấy đạo đức xã hội suy thoái, người ta bắt đầu nói đến pháp trị để đưa xã hội vào khuôn phép, lấy pháp luật mà trị nước. Trước hết, pháp trị đòi hỏi không chỉ là về luật còn phải rành rọt cả luật, lệnh, hình và chính. Luật là để mọi người nhận rõ vị trí của mình. Lệnh là để cho nhân dân biết bổn phận của mình phải làm gì. Hình là để trừng trị những kẻ phạm pháp. Việc trừng trị ấy phải rất chính đáng thì kẻ có tội mới không oán, kẻ vô tội mới không lo sợ. Vậy nên chính là tất cả các biện pháp kinh tế, chính trị để người dân đi theo pháp luật.
Pháp trị cũng đòi hỏi luật pháp phải minh bạch, phải hợp lý đối với đời sống của nhân dân theo nguyên tắc “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Muốn thi hành pháp luật thì phải chuẩn bị cho dân hiểu biết pháp luật rồi mới áp dụng. Luật pháp ban ra cũng phải được cân nhắc kỹ càng không được nay sửa mai đổi. Trong trường hợp này, dân không biết xử trí ra sao cả dù thưởng có lớn dân cũng không ham, có nặng dân cũng không sợ. Sau cùng, việc xử án phải rất chí công vô tư, không khoan dung với người mình yêu, không nghiêm khắc với người mình ghét. Một nguyên tắc nổi tiếng của Pháp trị là “Trời không vì vật nào mà làm thay đổi bốn mùa. Minh quân, Thánh nhân, cũng không vì một vật nào mà thay đổi luật pháp”.
Ngày nay, để chống tham nhũng, chúng ta cũng cần phải nhìn lại cơ chế quản lý vận hành của hệ thống pháp trị, không để những kẻ xấu lợi dụng. Về phía Nhà nước cũng cần xét lại xem luật pháp của chúng ta đã làm được đến đâu, chặt chẽ chưa, có để lại khe hở nào không, các hình phạt có đủ nghiêm khắc, đủ sức răn đe không? Vai trò của các cơ quan kiểm tra, giám sát thế nào? Đặc biệt là đối với những hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, để từ đó có những biện pháp xử lý hữu hiệu, kịp thời.
Chúng ta cần phải giáo dục luật pháp đầy đủ cho mọi tầng lớp nhân dân, cán bộ. Phải biên soạn luật một cách dễ hiểu, giản dị, rõ ràng, rành mạch chứ không thể bằng những bộ luật dày cộp, đọc mà không hiểu rõ được. Thực tế gần đây còn cho thấy, có những cán bộ quản lý, trong đó cả nhũng người làm đến chức vụ cao khi tham nhũng cũng hiểu về pháp luật rất hạn chế. Khi bị dính vào vòng lao lý, họ mới nhận ra rằng, hoá ra những điều họ vi phạm là có thể phải chịu mức án hàng chục năm tù, thậm chí tử hình.
Như vậy, sự nghiêm minh của pháp luật trong quản lý xã hội cần được hiểu là tổng thể rất nhiều yếu tố, không chỉ là riêng pháp trị. Cách đây sáu trăm năm, Nguyễn Trãi đã dạy chúng ta rằng “Văn trị chung tu trí thái bình”, tức là phải lấy văn hiến mà trị nước, bởi vì nếu chỉ dùng đức trị hoặc pháp trị cũng là chưa đầy đủ, trừ khi người ta có được một trình độ văn hoá cao, nhận thức rõ mọi vấn đề và có ý thức tuân thủ những chuẩn mực tốt đẹp nhất của xã hội. Tôi nghĩ ngày nay, trong việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực quan điểm “văn trị” của Nguyễn Trãi vẫn còn là đúng đắn và mới mẻ.
Chính những kẽ hở pháp luật đã khiến cho nhiều người dễ dàng kiếm được tiền và tìm mọi thủ đoạn để kiếm tiền. Theo ông, để chế ngự được lòng tham con người cần phải có những phẩm chất, nền tảng văn hóa, giáo dục như thế nào?
– Của cải vật chất và tiền bạc dù rất cần cho cuộc sống nhưng nó cũng chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích của hạnh phúc. Ngồi trên đống tiền mà “người giàu cũng khóc” vì họ chưa chắc đã có hạnh phúc. Một người không quản hy sinh tính mạng, lao vào đám lửa cháy dữ dội để cứu người, khi được hỏi về hành vi của mình đã không ngần ngại nói rằng “Làm cho người khác hạnh phúc đó là hạnh phúc” của mình rồi.
Trước đây chúng ta sống trong một xã hội mang tính cộng đồng cao, có cái nghèo nàn, có cái vất vả nhưng trong xã hội đó con người lại biết thương yêu nhau, tôn trọng lẫn nhau, con người dựa vào nhau để mà sống, cho nên tham nhũng xảy ra không nhiều như hiện nay. Các cụ ta khi đó bảo nhau “tri túc thường lạc”, biết thế nào là đầy đủ thì sẽ luôn vui vẻ, hạnh phúc. Câu này trở thành một châm ngôn mà vẫn có ý nghĩa lớn đối với cuộc sống gắn liền với nhịp điệu gấp gáp của cơ chế thị trường hiện nay. Nó khuyên con người trong cuộc sống nên biết trân trọng những gì mà mình đã có, yêu thương những người xung quanh. Nếu biết thế nào là đủ với mình, chúng ta sẽ không bị sa vào những tham vọng vốn vượt ra khỏi tầm tay với, tránh được sự cắn dứt của lương tâm khi phải tìm cách lấn át người khác, dìm người khác xuống, bắt người khác phải quy phục, cung phụng để đạt được cái mình muốn.
Tôi cho rằng câu “Tri túc thường lạc” bây giờ vẫn còn nguyên giá trị của nó. Câu đó nên được viết và treo tại công sở hoặc ở nhà của các quan chức, để họ biết tiết chế các tham vọng của mình. Là người thích viết thư pháp tôi cũng đã viết câu này tặng cho một vài người bạn có địa vị cao trong xã hội và họ đã rất thích.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
“Tôi lạc quan trước tình hình hiện nay bởi trong xã hội ta, những người tốt và trung thực vẫn rất đông đảo. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện rõ ý chí quyết tâm của Đảng ta trong việc chấn hưng văn hoá dân tộc, chấn hưng đạo đức và các giá trị truyền thống. Điều đó khiến tôi tin tưởng rằng sớm muộn gì chúng ta cũng thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng để hướng tới một xã hội ngày càng lành mạnh, tốt đẹp”, GS.TS Đặng Cảnh Khanh.
Theo danviet.vn