Đất nước ta đang trên con đường công nghiệp hóa – hiện đại hóa, gắn liền với nó là việc gắn kết tri thức hiện đạị với và các giá trị truyền thống dân tộc. Bảo tàng là nơi lưu giữ những dấu tích lịch sử lao động, chiến đấu, những chứng cứ về hoạt động sáng tao văn hóa, xã hội của các thời đại trước cho đời sau. Bảo tàng cũng còn là một cơ sở tra cứu khoa học, một trung tâm giao lưu văn hóa có tính xã hội rộng lớn. Chính vì thế, bảo tàng có các chức năng về truyền thông khoa học, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, phục chế, trưng bày, trình diễn để giới thiệu và giáo dục về những giá trị lịch sử – văn hóa của dân tộc tới mọi nơi, trong và ngoài nước. Đồng thời, bảo tàng là nơi cung cấp tư liệu nghiên cứu về cộng đồng các địa phương, dân tộc, các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa – lịch sử, trí thức, danh nhân khoa học kỹ thuật, chính trị, cách mạng, anh hùng liệt sĩ hay các địa danh lịch sử, các làng nghề cổ truyền, các sự kiện lịch sử,.. một cách đầy đủ và chính xác nhất.





Quy hoạch để xây dựng và phát triển bảo tàng tại các trung tâm văn hóa đặc sắc mang đặc trưng của vùng miền là một chiến lược hết sức cần thiết đối với việc bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa, hướng tới việc giáo dục cho các thế hệ trẻ về truyền thống dân tộc. Mộ Trạch là làng tiến sĩ, chữ Hán gọi những làng như vậy là “Tiến sĩ Sào”. Sào có nghĩa là tổ chim. Ý nói: làng Mộ Trạch như một tổ chim ủ trứng, ấp, nở ra nhiều người học giỏi, đạt được học vị cao quý, nhất là Trạng nguyên, Hoàng giáp, Tiến sĩ. Ngày nay “tiến sĩ sào” danh tiếng của Mộ Trạch vẫn phát triển và được nhân rộng nhiều vùng khắp đất nước.
Trong thời gian gần đây, có nhiều tổ chức và cá nhân, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội đã đến tìm hiểu lịch sử làng Mộ Trạch về khía cạnh lịch sử, văn hóa, giáo dục. Cũng từ đó, nhu cầu xây dựng một bảo tàng tiến sĩ tại làng Mộ Trạch ngày càng được quan tâm. Bảo tàng sẽ không chỉ là nơi giao lưu, học hỏi cho các thế hệ con cháu mà còn là nơi giới thiệu truyền thống hiếu học của quê hương Mộ Trạch tới những vùng miền khác.
Theo tư liệu lưu giữ, làng Mộ Trạch từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVIII có 36 người đỗ tiến sĩ, 1 trạng nguyên. Trong đó, họ Vũ có 29 tiến sĩ, họ Lê có 1 trạng nguyên, 4 tiến sĩ, còn lại là họ khác. Đến thăm nơi này, chúng ta có thể tìm được rất nhiều những tài liệu và những hiện vật còn lưu truyền lại cho đến nay và sẽ thật thiếu sót nếu chỉ biết đến 18 bia tiến sĩ người làng Mộ Trạch được lưu lại ở Văn miếu Quốc Tử Giám.
Thực tế cũng cho thấy, trong những năm qua, việc xây dựng, sưu tầm và giới thiệu về lịch sử của làng tiến sĩ Mộ Trạch vẫn chưa được các cơ quan quản lý văn hóa – giáo dục quan tâm thường xuyên và đúng mức, nên việc thu thập và lưu trữ các tài liệu và hiện vật còn gặp nhiều khó khăn. Trước đây, chúng ta đã có những cuộc nghiên cứu điều tra ở Trung ương và địa phương, đặc biệt là nghiên cứu do Hội đồng nghiên cứu biên soạn lịch sử Hải Dương thực hiện hết sức công phu. Chúng ta cũng đã thu về hàng vạn trang tư liệu có giá trị trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hiện vật cổ của làng để lại.
Tuy nhiên, do điều kiện kinh phí hạn chế và cơ sở vật chất còn nghèo nàn nên việc bảo quản, trưng bày và giới thiệu những cổ vật này cho các thế hệ sau này vẫn chưa được triển khai, nhân rộng.
Do vậy vấn đề xây dựng một bảo tàng tiến sĩ tại làng Mộ Trạch là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn đối với việc học hỏi và tìm hiểu về truyền thống hiếu học vẻ vang của thế hệ trẻ và những người yêu thích lịch sử. văn hóa giáo dục của dân tộc. Đồng thời, việc bảo tàng tiến sĩ được xây dựng tại làng Mộ Trạch cũng sẽ góp phần mở rộng thêm không gian quy hoạch, tạo thêm điểm nhấn thu hút du khách tập phương đến với mảnh đất danh tiếng này.
Trên tinh thần đó, Quỹ Văn hiến Việt Nam cùng với một số trí thức, các nhà khoa học, lịch sử, văn hóa học, xã hội học… có tên tuổi đã đề xuất việc xây dựng đề án: “Xây dựng bảo tàng tiến sĩ tại làng Mộ Trạch – Tân Hồng – Bình Giang – Hải Dương”. Công việc này đã được sự ủng hộ của chính quyền các cấp của tỉnh Hải Dương nhằm bảo tồn những tài liệu và hiện vật về ngôi làng tiến sĩ cổ, đồng thời góp phần vào tuyên truyền, giáo dục về truyền thống hiếu học cho các thế hệ trẻ tương lai của đất nước.
Để triển khai mạnh mẽ ý tưởng trên, Quỹ Văn hiến Việt Nam cũng bước đầu triển khai xây dựng một đề tài nghiên cứu, khảo sát thực tiễn về điều kiện tự nhiên, lịch sử văn hóa, con người, lối sống nhân cách cũng như những đặc trưng cơ bản đã làm nên danh tiếng của “Làng tiến sĩ Mộ Trạch”.
Kết quả nghiên cứu đề tài không chỉ trực tiếp giúp cho việc xây dựng “Bảo tàng tiến sĩ Mộ Trạch” có được những thông tin và tư liệu khoa học cần thiết trong quá trình triển khai thiết kế, xây dựng nội dung hoạt động, mà còn có thể giúp mọi người có thêm những kiến thức về lịch sử ngôi làng cổ kính này, về 36 vị tiến sĩ hiền tài nổi tiếng của làng, giúp cho những người quan tâm hình dung được về không gian học tập của người xưa và có những so sánh thú vị, rút ra những bài học kinh nghiệm đối với không gian học tập hiện nay.
Việc nghiên cứu để xây dựng bảo tàng tiến sĩ cũng tập trung chủ yếu làm rõ hơn về những đặc trưng trong truyền thống đào tạo nhân tài ở nước ta cũng như văn hóa hiếu học của các cộng đồng người Việt, góp phần tạo nên một điểm đến đặc biệt, mới lạ trong tổng thể các bảo tàng của Việt Nam.
Trên cơ sở những nghiên cứu của đề tài nói trên, Quỹ Văn hiến cũng sẽ chỉ đạo việc biên soạn cuốn sách “Mộ Trạch- làng tiến sĩ ngày xưa và hôm nay”, đồng thời xây dựng “Bộ sưu tập thông tin tổng quát chung những tư liệu về Mộ Trạch” để làm tư liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu, những người quan tâm và các thế hệ con cháu sau này
Đoàn công tác của Quỹ Văn hiến Việt Nam do GS Đặng Cảnh khanh, GS Lê Thị Quý, PGS Phạm Duy Đức, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hiền…và các cán bộ khoa học của Quỹ đã về công tác tại Mộ Trạch trong các ngày 6 và ngày 31-10-2022. Đoàn cán bộ Quỹ đã thực hiện việc nghiên cứu khảo sát thực tiễn, làm việc với đồng chí Vũ Đình Tam, Bí thư, Chủ tịch xã, Ông Vũ Quốc Ái cán bộ quản lý các di tích lịch sử tại địa phương và đã thống nhất các kế hoạch làm việc, phối hợp hoạt động giữa Quỹ Văn hiến và xã trong thời gian tới.
Tin và ảnh Chí Thiện