Quan điểm Dân tộc, Đại chúng, Khoa học trong Đề cương Văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

0
648

GS,TS Lê Thị Quý

Chủ tịch Quỹ Văn hiến Việt Nam

        Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là văn kiện đặt nền móng, mở đường cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng ở Việt Nam, là ngọn cờ tập hợp giới trí thức, văn nghệ sĩ hăng hái tham gia sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo trước Cách mạng tháng 8/1945. 

        Đề cương do đồng chí Tổng Bí Thư Trường Chinh soạn thảo và được Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng thông qua. Đề cương ra đời trong hoàn cảnh  kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội rối ren của đất nước những năm 40 thế kỷ XX, lúc cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đang đi gần tới kết thúc. Nhật hất cẳng Pháp, xâm chiếm Đông Dương. Cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa không chỉ hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc mà còn phải đương đầu với những thủ đoạn thâm độc của phát xít Nhật, Pháp để bảo vệ nền văn hóa dân tộc, tập hợp trí thức để phục vụ cách mạng

          Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 gồm 05 phần: Phần I: “Cách đặt vấn đề”; Phần II: “Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam”; Phần III: “Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phátxít Nhật, Pháp”; Phần IV: “Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam” và Phần V: “Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mácxít Đông Dương và nhất là của những nhà văn hóa Mácxít Việt Nam”.

          Đề cương đã nêu ba nguyên tắc lớn trong cuộc vận động xây dựng nền văn hóa Việt Nam: dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho vǎn hóa Việt Nam phát triển độc lập), đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho vǎn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng) và khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho vǎn hóa trái khoa học, phản tiến bộ). Ba nguyên tắc trên luôn thống nhất biện chứng không thể tách rời, phản ánh đúng thực trạng và nhu cầu bức thiết của cuộc vận động văn hóa Việt Nam lúc bấy giờ.

           Dân tộc hóa là làm cho văn hóa trực tiếp phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, làm cho trí thức có lòng tự hào, dũng cảm đứng lên nhận trách nhiệm của mình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển nền văn hóa mới Việt Nam.

           Đại chúng hóa là văn hóa của nhân dân, phục vụ nhân dân, làm cho mọi người biết đọc, biết viết, biết thưởng thức và tham gia sáng tạo nghệ thuật và dần dần chiếm lĩnh các giá trị tinh thần mà dân tộc và loài người tạo ra.

          Khoa học hóa là tạo điều kiện cho nền văn hóa dân chủ mới nhanh chóng thoát khỏi sự kìm hãm ấy, nhằm phát triển về mọi mặt trên cơ sở khoa học, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm kim chỉ nam hướng dẫn mọi suy nghĩ, hành động. Nó gạt ra khỏi đầu óc con người những loại thành kiến, hủ bại, mê tín, dị đoan.

         Đã 80 năm trôi qua kể từ ngày Đề cương văn hóa ra đời. Nhiều đổi thay trên đất nước ta nhưng ba nguyên tắc Dân tộc, Đại chúng , Khoa học vẫn còn nguyên giá trị. Nhờ quan điểm Dân tộc hóa nên nền văn hóa Việt Nam đã phát triển trên tinh thần độc lập, chống tư tưởng tự ti dân tộc và chống thái độ miệt thị, nô dịch văn hóa dân tộc. Nguyên tắc này đã đưa văn hóa mang đậm màu sắc của dân tộc Việt Nam, khác các nền văn hóa khác, khích lệ những phẩm chất cao quý của con người Việt Nam như lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh khi Tổ quốc cần vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, Theo đó, dòng văn hóa, nghệ thuật yêu nước từ những năm 40 ngày càng lớn mạnh, trở thành khuynh hướng chỉ đạo của văn hóa, động viên các tầng lớp nhân dân đánh thắng quân xâm lược Pháp, Nhật, Mỹ hùng mạnh và xây dựng xã hội XHCN công bằng, văn minh.

        Phần lớn trí thức đã tập hợp dưới ngọn cờ của Đề cương văn hóa và họ đã đem tài năng và trí tuệ để phục vụ dân tộc, phục vụ Cách mạng. Họ không chỉ mang quan điểm “Nghệ thuật vị nghệ thuật” mà còn đi theo con đường “ Nghệ thuật vị nhận sinh” đem nghệ thuật phục vụ con người.

        Theo xu hướng này, trong thời kỳ thời Cách mạng tháng 8 và kháng chiến chống Pháp đã xuất hiện  những tiểu thuyết, truyện ngắn của Nam Cao, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Thanh Tịnh… Các tác phẩm âm nhạc của Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Đỗ Nhuận, Hoàng Vân, Huy Du, Hoàng Việt, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý, Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Nguyễn Xuân Khoát, Tô Hải, Tô Vũ, Tạ Thanh Sơn…Các tác phẩm hội họa của Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Khang, Sỹ Ngọc, Mai Văn Hiến, Huỳnh Văn Thuận, Dương Bích Liên, Trần Phúc Duyên, Đặng Đức Sinh, Đào Thị Trâm, Đỗ Đức Thuận. Lương Xuân Nhị, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Tiến Chung, Trương Bính…Các vở kịch của Đào Hồng Cẩm, Thế Lữ, Học Phi, Lộng Chương, Nguyễn Huy Tưởng, Đình Quang… Trong thời kỳ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước các tác giả đã đi theo khuynh hướng này là các tác giả kịch Phan Vũ, Đào Hồng Cẩm, Nguyễn Vũ (Ngô Y Linh), Xuân Trình, Lưu Trọng Lư, Đình Quang, Vũ Khiêu, Trần Quán Anh, Nguyễn Vượng… đã khích lệ nhiều thế hệ cầm súng chiến đấu bảo vệ tổ quốc.

         Có nhà văn hóa đã trở thành liệt sỹ là nhà văn Nam Cao hoặc các nhà văn mất trên đường công tác như Thâm Tâm. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tiếp nối tinh thần của cha anh, nhiều nghệ sỹ đã trở thành liệt sỹ trên mặt trận. Nhà thơ Lê Anh Xuân, sau bài thơ “ Dáng đứng Việt Nam” ca ngợi người chiến sỹ giải phóng quân hy sinh vì nước là cái chết của chính ông, cũng đầy chất anh hùng và xúc động. Nhà văn Nguyễn Thi, tác giả “ Người mẹ cầm súng “ cũng hiến dâng tính mạng mình cho những trang viết bất hủ của ông về chủ nghĩa yêu nước. Nhà báo, nhà thơ Dương Thị Xuân Quý đã hy sinh tại Duy Xuyên giữa trang báo còn viết dở và còn biết bao anh hùng nghệ sỹ khác đã góp phần viết nên tính dân tộc của văn hóa. Từ giữa rừng già của Tây Nguyên, nhà thơ Thu Bồn viết bản trường ca “Bài ca chim Chơ rao” để ca ngợi tinh thần yêu nước của người dân các dân tộc đi theo Cách mạng. Cũng theo chủ đề này, nhà văn Nguyên Ngọc hoàn thành tác phẩm “Đất nước đúng lên”. Từ đồng bằng sông Cửu Long, nhà văn Anh Đức viết “Hòn Đất”, tạo nên hình tượng anh hùng của chị Sứ ( Phan Thị Ràng) , người con gái Nam Bộ bất khuất…

         Ngay sau nguyên tắc Dân tộc hóa là nguyên tắc Đại chúng hóa của Đề cương văn hóa nhằm chống mọi chủ trương, hành động xa rời quần chúng, làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng. Với mục tiêu phục vụ con người, giải phóng con người, đồng chí Trường Chinh dưới bút danh Sóng Hồng trong bài thơ “ Là thi sỹ” đã phê phán những văn nghệ sỹ thời tiền chiến còn đang mơ hồ, lạc lõng  chưa tìm ra phương hướng cho mình trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Ông viết:

“Nếu thi sỹ nghĩa là ru với gió

Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây

Để tâm hồn treo ngược trên cành cây

Hay lả lướt đìu hiu cùng ngọn liễu…”

       Ông đã định hướng cho họ con đường đúng đắn nhất là đi với nhân dân, phục vụ nhân dân:

“ —Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ,
Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền…”

          Bài thơ của ông đã góp phần khích lệ nhiều nghệ sỹ đi cùng nhân dân trong cuộc đấu tranh gian khổ của dân tộc. Văn hóa mới, văn hóa cách mạng hướng mọi sáng tạo nghệ thuật và hoạt động văn hóa vào phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân. Yêu dân là yêu nước và đó cũng là sự kết hợp giữa tính dân tộc với tính đại chúng. Tên tuổi của những văn nghệ sỹ đã mãi sống trong lòng nhân dân. Nét đặc sắc trong văn hóa Việt Nam là phát động được đông đảo nhân dân cùng tham gia các hoạt động văn hóa. Họ không chỉ là người hưởng thụ văn hóa mà còn là người sáng tạo văn hóa.

           Truyện ngắn “ Đôi mắt” của Nam Cao đã thể hiện rõ cách nhìn về nguyên tắc Đại chúng của Đề cương văn hóa của tác giả. Bằng câu chuyện giản dị, Nam Cao đã hướng cách nghĩ, cách nhìn của người trí thức về phía nhân dân lao động và chỉ có bằng cách đó, họ mới tồn tại được. Các tiểu thuyết của Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Thanh Tịnh, các truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan …đã rất gần với quần chúng, thể hiện rõ mục tiêu phục vụ đại chúng, được quần chúng đón nhận, yêu thích. Các tác phẩm âm nhạc của Văn Cao, Đỗ Nhuận, Hồ Bắc, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Văn Thương… đã không còn là những bài hát của giới quý tộc trong các phong trà mà vang lên rộn rã trong các nhà hát, công trường, nông trường, trường học từ miệng những người lao động.

           Cũng như vậy, các tác phẩm hội họa của các danh họa của trường Mỹ thuật Đông Dương là các ông Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân,  Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn ( Người đời đã có câu ví “Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân tứ Cẩn”) đã không chỉ được treo trong các phòng khách của các biệt thự sang trọng mà còn được trưng bày ở các cuộc triển lãm cho đông đảo quần chúng vào thưởng thức. Những hoạt động này đã đóng vai trò nòng cốt trong việc đưa văn hóa nghệ thuật vào quần chúng, khơi dậy tinh thần yêu nước và sự đóng góp của nhân dân để đưa Cách mạng tới thành công. Họa sĩ Nguyễn Gia Trí, người được mệnh danh là “cha đẻ của những bức tranh sơn mài tân thời của Việt Nam”, được người yêu nghệ thuật và các nhà phê bình nghệ thuật phong tặng danh hiệu cây đại thụ lớn nhất của nền mỹ thuật hiện đại nước nhà. Các tác phẩm chính của ông: Vườn xuân Trung Nam Bắc, Thiếu nữ trong vườn, Thiếu nữ bên hoa phù dung đã trở thành các bảo vật quốc gia. Loạt tranh phố cổ làm nên thương hiệu tranh Bùi Xuân Phải được biết đến qua các bức vẽ Hà Nội 36 phố phường, trong đó, họa sĩ đã vẽ lại hình ảnh các con phố cổ Hà Nội như: Phố Ô Quan Chưởng, phố Mã Mây, phố Hàng Muối, phố Hàng Mắm, phố Phất Lộc, phố Chợ Gạo, phố Ngõ Gạch, phố Thuốc Bắc, hồ Hoàn Kiếm…đã là niềm tự hào của mỗi người dân thủ đô và người dân Việt Nam.

          Tính khoa học trong Đề cương văn hóa đã hướng dẫn các hoạt động văn hóa mới, xây dựng, hoàn thiện lý luận về nền văn hóa Việt Nam “Tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Khoa học hóa là chống lại tất cả những cái gì làm cho vǎn hóa trái khoa học, phản tiến bộ, biết bảo tồn, chắt lọc những nét đẹp truyền thống dân tộc, đồng thời phải chống những cái cũ kĩ, lạc hậu, dị đoan. Đảng ta cũng khẳng định: “Muốn cho ba nguyên tắc trên đây thắng, phải kịch liệt chống những xu hướng vǎn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm… Nhưng đồng thời cũng phải chống xu hướng vǎn hóa quá trớn của bọn tờrốtkít”.(2)

          Trong suốt 80 năm qua, nhiều định hướng quan trọng của Đề cương về văn hóa Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước kế thừa, bổ sung, phát triển, đặc biệt trong thời kỳ Đổi mới. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) là văn kiện tiêu biểu nhất. Nghị quyết đã thể hiện bước chuyển quan trọng về tư duy lý luận và năng lực đúc kết thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa nước nhà của Đảng những năm đầu Đổi mới, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn và khoa học. Các quan điểm chỉ đạo phát triển văn hóa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội mà Nghị quyết lần đầu tiên khái quát, hệ thống hóa bao gồm: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Nền văn hoá Việt Nam là nền văn hoá thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Xây dựng và phát triển văn hoá là sự nghiệp của toàn dân, do Đảng lãnh đạo, trong đó, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng. Văn hoá là một mặt trận; xây dựng, phát triển văn hoá là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng.

          Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào đầu năm 2021, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh định hướng phát triển con người toàn diện và xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam “Tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, con người đóng vai trò chủ thể, đồng thời là mục đích của việc phát triển văn hóa.

          Rõ ràng là các nguyên tắc Dân tộc, Đại chúng, Khoa học đã không chỉ là nòng cốt của Đề cương văn hóa trong thời gian qua mà còn là định hướng để phát triển văn hóa Việt Nam trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo chính

  1. Bốn mươi năm Đề cương văn hóa Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1985.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, t.1, tr.115-116.
  3. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, t.15, tr.614.
  4. Phong Lê (2013), Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 – bài học 70 năm, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 10.
  5. Trần Đăng Khoa (2021) 78 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam – sức sống của một văn kiện mang tầm vóc cương lĩnh, Trường Đại học An ninh nhân dân, Hà Nội

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây