PGS-TS Phạm Duy Đức phát biểu về xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa trong “tầm nhìn văn hóa đến năm 2045”

0
464

Trong quá trình lãnh đạo xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Đảng ta luôn quan tâm đến xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa. Đội ngũ này đóng một vai trò nòng cốt trong việc triển khai, tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa. Hồ Chí Minh đã xác định cán bộ là “cái gốc” của công việc. Vì vậy, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa chính là “cái gốc” của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam.

Kế thừa và phát triển quan điểm về xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nhất là cán bộ chủ chốt có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Không bố trí cán bộ làm công tác văn hóa kém năng lực, thiếu bản lĩnh. Rà soát toàn bộ hệ thống các trường đào tạo văn hóa, văn nghệ, đổi mới và hiện đại hóa quy trình, nội dung, phương thức đào tạo để trong 5-10 năm tới khắc phục về cơ bản sự thiếu đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa”. Đây là những yêu cầu rất cao đòi hỏi công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa phải có chuyển biến về chất để đáp ứng được khát vọng đổi mới, phát triển, phát huy các giá trị văn hóa và con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhìn lại quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa trong thời kỳ đổi mới vừa qua, đặc biệt là trong 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, chúng ta có thể nhận thấy công tác xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa đã có những chuyển biến tích cực. Quy mô đào tạo về lĩnh vực văn hóa được mở rộng. Công tác đào tạo trình độ trên đại học, về công tác quản lý văn hóa, văn nghệ, về lĩnh vực khoa học chuyên ngành như: Mỹ học, văn học, sân khấu, điện ảnh, điêu khắc, hội họa… được tăng cường. Một số địa phương, trường đại học văn hóa, nghệ thuật đã gửi cán bộ, giảng viên đi đào tạo ở nước ngoài bằng kinh phí Nhà nước và thông qua tài trợ học bổng của nước ngoài. Một số nơi ban hành chính sách trọng dụng nhân tài (Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…). Nhà nước đã điều chỉnh tiền lương, trợ cấp, danh hiệu Nhà nước đối với những người hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật đặc thù và các trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian có đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển văn hóa, con người…

Tuy nhiên, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém như: Một số nơi chưa coi trọng việc bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, điều động cán bộ không có chuyên môn sang lãnh đạo quản lý văn hóa, văn nghệ. Thiếu chiến lược dài hạn đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quy hoạch đội ngũ, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học, chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Chất lượng đội ngũ làm công tác văn hóa, nhất là ở cấp xã còn yếu, hạn chế trong việc tham mưu, xử lý những vấn đề văn hóa nảy sinh trong tình hình mới. Chất lượng đào tạo thấp, nhiều ngành nghề khó tuyển sinh, nhất là các trường cao đẳng, trung cấp và các ngành nghệ thuật truyền thống. Một số trường đại học trình độ giảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu giáo trình, chậm đổi mới việc dạy và học theo phương pháp giảng dạy tích cực, chưa cập nhật được những vấn đề mới và xu hướng vận động của văn hóa, văn nghệ. Chính sách trọng dụng trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân có đóng góp cho sự phát triển văn hóa, nghệ thuật chưa hấp dẫn… Một bộ phận cán bộ làm công tác văn hóa, văn nghệ chưa thực sự gương mẫu, đi đầu trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; chưa chủ động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, quản lý, tham mưu và tổ chức các hoạt động văn hóa. Một số trí thức, văn nghệ sĩ có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, tác động tiêu cực tới xã hội…

Để nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa đáp ứng yêu cầu được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cần phải đẩy mạnh một số nhóm giải pháp sau đây:

Thứ nhất, là nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa và con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Từ đó nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí nòng cốt của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa trong tình hình mới. Đây chính là đội ngũ truyền bá và thực hiện đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa. Đồng thời phát huy vai trò của đội ngũ này trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Thứ hai, tập trung xây dựng Chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa từ Trung ương đến cơ sở. Khắc phục sớm tình trạng bố trí cán bộ không đúng chuyên môn sang công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa ở các cấp. Thực hiện nghiêm chính sách tuyển dụng, bố trí sử dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với từng chức danh công tác, vị trí việc làm của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, có chính sách đãi ngộ, tôn vinh tài năng, tôn vinh những người có công đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn hóa.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống các trường đào tạo về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Chú trọng đặc thù của công tác đào tạo lĩnh vực này, khắc phục tình trạng chồng chéo, tràn lan trong công tác đào tạo. Đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống chương trình, giáo trình, nội dung và phương pháp đào tạo, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng, gắn kết với phát triển công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa và phát triển sự nghiệp văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế.

Thứ tư, tăng cường đầu tư các nguồn lực cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, đặc biệt là đầu tư nâng cao chất lượng chính trị và chuyên môn của đội ngũ cán bộ, khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo, phát triển các lĩnh vực văn hóa gắn liền với yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng và lan tỏa các giá trị văn hóa và con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Triển khai đồng bộ và toàn diện các giải pháp trên đây, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng trong lĩnh vực xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây