Di tích lịch sử đền Thượng Thái Sơn (thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) là đền thờ công chúa nước Lào có tên phiên âm là Nhồi Hoa – người đã mang đàn voi sang giúp nước Việt đánh giặc.
Sáng 23/12, Quỹ Văn hiến Việt Nam phối hợp với Tổng hội xây dựng Việt Nam, Sở Văn hoá Thể thao, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình tổ chức hội thảo khoa học “Đền thờ công chúa Nhồi Hoa, nước Lào tại Ninh Bình – Biểu trưng của tình hữu nghị lâu đời giữa 2 dân tộc Việt – Lào”.
Hội thảo được tổ chức để nghiên cứu sâu hơn về di tích đền Thượng Thái Sơn để có phương cách tôn tạo, phát triển để nơi này trở thành địa điểm văn hoá du lịch hữu nghị thắm tình Việt – Lào.
Chủ trì hội thảo là GS.TS Lê Thị Quý, Chủ tịch Quỹ Văn Hiến Việt Nam; ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Văn hoá thể thao tỉnh Ninh Bình; TS Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội TS KTS và ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình.
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá nhằm công bố kết quả ban đầu của nghiên cứu này và hi vọng trong tương lai sẽ phát triển di tích xứng tầm.
Công chúa Nhồi Hoa – nhân vật lịch sử gắn với quan hệ Việt – Lào
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Lê Thị Quý – Chủ tịch Quỹ Văn Hiến Việt Nam cho biết, đền thờ công chúa Nhồi Hoa là đền thờ đầu tiên của người nước ngoại tại Việt Nam, có ý nghĩa rất lớn.
GS Đặng Cảnh Khanh – Chủ tịch HĐKH Quỹ Văn Hiến Việt Nam cho hay, trong lịch sử có một vị Công chúa nước Lào tên phiên âm Tiếng Việt là Nhồi Hoa theo lệnh vua cha đã đem vài trăm con voi sang giúp nước Việt đánh giặc. Sau khi giao xong đàn voi, trên đường trở về không may công chúa lâm bệnh và qua đời tại đồi Đền (xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình).
Vua Lê Thánh Tông cho quân thần về làm lễ an táng tại khu vực đồi Đền, xây khu lăng mộ và cho lập đền thờ công chúa tại thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Đền thờ có tên gọi Đền Thượng Thái Sơn. Đền thờ được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận là di tích cấp tỉnh năm 2007.
Hàng năm, tại di tích diễn ra lễ hội truyền thống vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch. Trong lễ hội ngoài phần rước kiệu, tổ chức tế, còn tổ chức nhiều hoạt động phần Hội, đặc biệt có múa hát theo điệu Chăm Pa (điệu múa hát cổ truyền của nước Lào) để tưởng nhớ về công lao của công chúa Nhồi Hoa và tôn vinh truyền thống tốt đẹp hai dân tộc Việt – Lào.
Thời gian gần đây, mặc dù nhân dân địa phương đã nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng do đây là vùng nghèo khó, ít kinh phí xây dựng nên đền thờ bị hư hại nhiều.
Phát triển mảnh đất Sơn Lai thành địa điểm văn hoá du lịch thắm tình Việt – Lào
GS.TS Lê Thị Quý đề xuất xây dựng Làng Văn hoá, du lịch Việt – Lào tại Thái Sơn.
Tại hội thảo, gần 15 nhà nghiên cứu đã cùng bàn luận về di tích đền thờ công chúa Nhồi Hoa cũng như Đề án xây dựng Làng Văn hoá, du lịch Việt – Lào.
Các nhà nghiên cứu đã trình bày các kết quả nghiên cứu của mình về di tích Đền Thượng Thái Sơn từ vị trí địa lý đến giá trị lịch sử, văn hoá cũng như yếu tố tâm linh.
“Di tích đền thờ công chúa Lào có những giá trị lịch sử văn hoá to lớn: Đánh dấu mốc son trong quan hệ hữu nghị Việt – Lào giúp đỡ nhau rèn quân đội Đại Việt thế kỷ XV, bảo vệ Tổ Quốc; tình cảm sâu nặng, nghĩa cử nhân văn giữa người Độc Trang xưa với người Lào anh emtrong lúc hoạn nạn có nhau, lập đền thờ tưởng nhớ công lao người bạn láng giềng.
Bên cạnh đó đền thờ công chúa nước Lào bên cạnh đền thờ Sơn thần (Sơn Tinh) người có công khai khẩn vùng đất này trong cùng một khuôn viên là đặc điểm độc đáo trong tín ngưỡng người Việt” – PGS.TS Nguyễn Khắc Sử đánh giá.
Về chủ trương xây dựng Làng Văn hoá, du lịch Việt – Lào tại Thái Sơn, các nhà nghiên cứu đều ủng hộ bởi đây là đề án nhân văn, một biểu trưng cho tình hữu nghị Việt – Lào, tăng giá trị di sản VH-TN Tràng An.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng để xây dựng đề án cần nghiên cứu sâu hơn về di tích để có cơ sở khoa học như tính xác thực của sự kiện, thời gian xảy ra sự kiện (năm Tân Mão thứ 2 (1471) thuộc đời vua Lê Thánh tông qua biên chép của Đại Việt sử ký Toàn thư, còn cần đối chiếu Lịch sử Lào giai đoạn (Lạn Xạng) và tư liệu khảo cổ, văn hoá dân gian vùng này.
Để đề án thành công cần huy động mọi nguồn lực như sự đồng thuận của người dân, sự vào cuộc của nhà quản lý Văn hoá, các nhà khoa học, sự tham gia của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ của 2 nhà nước Việt – Lào…
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Quang Ngọc – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp to lớn của các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp về dự hội thảo.
Hội thảo thành công là cơ hội để Ninh Bình có thêm một điểm di tích lịch sử quốc gia, quốc tế, thể hiện tình bằng hữu giữa 2 dân tộc Việt Nam và Lào. Đây cũng là luận cứ khoa học để 2 Đảng, 2 nhà nước và nhân dân đã vun đắp thêm tình cảm “Mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.
Cùng với quần thể danh thắng Tràng An, điểm văn hóa này sẽ tiếp tục mở ra sự phát triển du lịch tại Ninh Bình. Từ đó mở ra sự kết nối giao lưu văn hóa, lịch sử giữa 2 quốc gia.
Đồng thời tạo sinh kế cho người dân địa phương tham gia xây dựng phát triển du lịch. Chính ví vậy tỉnh Ninh Bình sẽ hết sức tạo điều kiện để dự án này sớm được thực hiện.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đi tham quan khu di tích đền Thượng Thái Sơn ở thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
V.Linh/giadinhmoi.vn