Trong những năm gần đây, sự mở rộng không ngừng các hoạt động nghiên cứu, truyền thông, du lịch, giới thiệu về nghệ thuật truyền thống đã mang đến những hiệu quả tích cực trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam. Tới nay, công việc này đã trở thành quen thuộc, thường xuyên với nhiều cơ quan, tổ chức đoàn thể, những người có trách nhiệm và cả những người đam mê nghệ thuật dân gian
Tuy nhiên có một thực tế là, bên cạnh những mặt tích cực thì sự mở rộng chiều rộng về mặt không gian, đã không làm khỏa lấp được những thiếu hụt trong việc nhận thức và cảm thụ đầy đủ về mặt chiều sâu liên quan đến bản chất và đặc trưng trong văn hóa, nghệ thuật dân gian. Điều đó đã gây ra không ít những sự hiểu biết chưa đầy đủ và chưa đúng đăn về giá trị chân chính đích thực của nghệ thuật dân gian Việt Nam. Nhu cầu phải đẩy mạnh những hoạt động chiều sâu này ngày càng lớn.
Ngày 17/8/2023, đoàn cán bộ Quỹ văn hiến Việt Nam do GS Đặng Cảnh Khanh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Quỹ dẫn đầu đã tới thăm và làm việc với cơ sở nghệ thuật Long Dương (Long Dương ART) tại Hà Nội. Đây là một cơ sở hoạt động nghệ thuật dân gian do một nhóm những nghệ sĩ trẻ, những nhà sáng tạo và yêu thích nghệ thuật dân gian thành lập, hướng tới mục tiêu đẩy mạnh những hoạt động nâng cao nhận thức, sáng tạo và cảm thụ đúng đắn về nghệ thuật dân gian. Cơ sở do họa sĩ trẻ Nguyễn Mạnh Cường làm giám đốc điều hành
Với phương châm nghiên cứu, bảo vệ, giữ gìn và giới thiệu nghệ thuật dân gian truyền thống, đưa nó đến gần gũi với công chúng, cơ sở nghệ thuật Long Dương đã tập hợp được sự tham gia của rất nhiều cơ sở sáng tạo, nghệ nhân nổi tiếng tại các làng nghề thủ công trên toàn quốc như Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng… cùng đồng hành. Bên cạnh việc sáng tạo nghệ thuật, cơ sở còn trực tiếp sưu tầm, lưu giữ các tác phẩm cổ điển, giới thiệu các tác phẩm mới, tổ chức triển lãm nghệ thuật và các cuộc tọa đàm hội thảo, trao đổi về nghệ thuật dân gian.
Đặc biệt, cơ sở Long Dương còn Tổ chức các buổi thực hành, trải nghiệm về sáng tác nghệ thuận dân gian. Chẳng hạn như thực hành về sáng tác đồ gốm, vẽ lên gồm trước khi nung, giúp những người quan tâm hiểu được quy trình nhào nặn, vuốt, tạo hình và tô màu các sản phẩm gốm…, nói một cách cụ thể là hiểu được gốm Việt đúng với bản chất và đặc trưng nghệ thuật của nó. Với sự hướng dẫn chia sẻ từ các họa sĩ nghệ nhân nổi tiếng tại các làng nghề…người trải nghiêm thực hành có thể tự tay tạo ra sản phẩm mà mình yêu thích cho mọi lứa tuổi tại các nhiều làng nghề thủ công trên toàn quốc
GS Đặng Cảnh Khanh, GS Lê Thị Quý và chuyên gia văn hóa Nguyễn Huy Hoàng đã thay mặt Quỹ trao đổi với các cán bộ của cơ sở Long Dương Art về sự hợp tác, phối hợp giữa hai bên, trong đó có sự giúp đỡ, hỗ trợ về chuyên môn và định hướng phát triển của Quỹ Văn hiến với Long Dương Art trong tương lai.
Một số hình ảnh của cuộc thăm và làm việc của Quỹ tại Long Dương Art





Một số hình ảnh về Workshop “Trải nghiệm nghệ thuật Gốm Mosaic” tại Gallery Nghệ Thuật Long Dương, 15 Hàng Phèn

Tin và ảnh. PV