LỄ HỘI TƯỞNG NHỚ CÔNG LAO CỦA NHỒI HOA CÔNG CHÚA TẠI ĐỀN THƯỢNG THÁI SƠN

0
1162
lễ hội truyền thống đền Thượng Thái Sơn – nơi thờ công chúa Nhồi Hoa tại thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai (Nho Quan – Ninh Bình)
Lễ hội truyền thống đền Thượng Thái Sơn – nơi thờ công chúa Nhồi Hoa tại thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai (Nho Quan – Ninh Bình)

Ngày 14/4 (tức 3/3 âm lịch), lễ hội truyền thống đền Thượng Thái Sơn – nơi thờ công chúa Nhồi Hoa tại thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai (Nho Quan – Ninh Bình) đã được tổ chức để tưởng nhớ ngày mất của công chúa.

Dự lễ hội có ngài Khăm Mạ Ni Chăn – Tham Tán Đại sứ quán nước CHDCND Lào; đại diện Quỹ Văn hiến Việt Nam; Ban Quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An; Phòng Văn hóa thông tin huyện Nho Quan, Hội đồng hương xã Sơn Lai tại Hà Nội, chính quyền, nhân dân trong xã và đông đảo du khách thập phương.

lễ hội truyền thống đền Thượng Thái Sơn – nơi thờ công chúa Nhồi Hoa tại thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai (Nho Quan – Ninh Bình)
Các đại biểu dự Lễ hội truyền thống đền Thượng Thái Sơn

Lễ hội đã ôn lại truyền thống lịch sử về vị công chúa Nhồi Hoa, nước Lào – người có công đem hàng trăm con voi sang và giúp huấn luyện voi cho Đại Việt đánh giặc ngoại xâm dưới thời vua Lê Thánh Tông vào thế kỷ XV. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, trên đường trở về, không may công chúa Nhồi Hoa lâm bệnh và qua đời tại khu vực đồi Đền. Ghi nhận công lao to lớn của công chúa, vua Lê Thánh Tông đã cho quân về xây dựng khu lăng mộ và lập đền thờ công chúa ngay tại đó. 

Nơi công chúa yên nghỉ chính là khu vực ở thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan ngày nay. Đền Thượng Thái Sơn tọa lạc trên đỉnh đồi Đền giữa không gian làng quê yên bình, núi đồi hùng vĩ. Phía Tây là lăng mộ công chúa nước Lào, phía Nam là núi Hóe Vụng, phía Đông là núi Mỏ Phượng và phía Bắc là núi Chon Gà. Đền quay hướng Nam, được xây dựng vào thời Hậu Lê. Trải qua hàng trăm năm, di tích đã có phần mai một và được trùng tu nhiều lần; song vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc “Tiền đao Hậu đấu”, lợp ngói vẩy, cửa được làm theo lối chân quay, then cài, bậc cửa bằng gỗ cao 30cm. Đỡ mái bằng hệ thống 4 cột cái và 12 cột quân đều bằng gỗ lim, các mảng chạm khắc mộc hóa long, hoa văn lá lật tại ván mê, câu đối còn nguyên bản thời Nguyễn. Đồng thời, nhiều hiện vật cũng được giữ gìn như sắc phong, đồ thờ thời Nguyễn. Di tích trở thành địa danh văn hóa, tâm linh của nhân dân trong vùng và đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2007.

lễ hội truyền thống đền Thượng Thái Sơn – nơi thờ công chúa Nhồi Hoa tại thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai (Nho Quan – Ninh Bình)
Giáo sư Lê Thị Quý – Chủ tịch Quỹ Văn hiến Việt Nam; GS.TS Đặng Cảnh Khanh – Chủ tịch Hội đồng Khoa học Quỹ Văn hiến Việt Nam cùng các đại biểu tại Đền Thượng Thái Sơn – nơi thờ công chúa Nhồi Hoa tại thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai (Nho Quan – Ninh Bình)

Hàng năm, cứ đến ngày 3/3 âm lịch, nhân dân trong vùng lại tổ chức lễ hội tưởng nhớ ngày mất của vị công chúa Nhồi Hoa. Bên cạnh hoạt động dâng hương, ôn lại lịch sử của đền thờ, lễ hội năm nay còn có màn Tế Nữ Quan do người dân tại thôn biểu diễn cùng nhiều hoạt động văn nghệ truyền thống đặc trưng của dân tộc Việt – Lào.

Phát biểu tại lễ hội, GS.TS Đặng Cảnh Khanh – Chủ tịch Hội đồng Khoa học Quỹ Văn hiến Việt Nam đã bày tỏ lời cám ơn sâu sắc trước sự đón tiếp nồng hậu của nhân dân trong xã với cán bộ Quỹ Văn hiến Việt Nam. Quỹ là đơn vị đã tham gia từ đầu trong việc phát hiện, tuyên truyền, đóng góp vào việc phục dựng để nâng cao giá trị của đền thờ công chúa Nhồi Hoa. Thời gian tới, Quỹ Văn Hiến Việt Nam sẽ tiếp tục các hoạt động nghiên cứu nhằm tôn tạo, phục dựng đền thờ đồng thời phát triển kinh tế, xã hội tại xã sao cho xứng với tình hữu nghị keo sơn giữa Việt Nam và Lào.

PV

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây