Vừa qua, tại phòng họp tầng 2 nhà A, Viện Nghiên cứu Thanh niên phối hợp với Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển tổ chức Hội thảo khoa học “Thực trạng, xu hướng phạm tội và các yếu tố tác động đến việc phạm tội của trẻ vị thành niên trên địa bàn thành phố Hà Nội”, thuộc khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu các yếu tố tác động đến việc phạm tội của trẻ vị thành niên trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội là PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Hội thảo được tổ chức với sự chủ trì của GS.TS. Đặng Cảnh Khanh – Chủ tịch HĐ Khoa học Quỹ Văn hiến Việt nam, TS. Đỗ Thị Thu Hằng – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên, TS. Lâm Thị Quỳnh Dao – Ban Pháp chế, HĐND Thành phố Hà Nội và sự quan tâm, tham gia của các đại biểu, khách mời, chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên.
Phát biểu báo cáo đề dẫn Hội thảo, TS. Lâm Thị Quỳnh Dao đánh giá hiện nay, sự biến đổi kinh tế thị trường đã tác động mạnh mẽ đến tâm tư, tình cảm của độ tuổi Vị Thành niên. Do guồng quay của cuộc sống, trẻ vị thành viên ngày càng thiếu sự quan tâm của gia đình, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Điều này dẫn đến tình trạng trong những năm gần đây, tình hình vi phạm pháp luật trong độ tuổi vị thành niên đang ngày càng có xu hướng tăng lên. Vì vậy, việc nghiên cứu thực trạng, xu hướng phạm tội và các yếu tố tác động đến việc phạm tội của trẻ vị thành niên trên địa bàn thành phố Hà Nội là thật sự cần thiết.
Tại Hội thảo, các đại biểu, khách mời, chuyên gia, nhà khoa học đã cùng nhau trao đổi, phân tích, đánh giá các vấn đề liên quan đến xu hướng phạm tội và các yếu tố tác động đến việc phạm tội của trẻ vị thành niên trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Về thực trạng phạm tội của trẻ vị thành niên, GS.TS Đặng Cảnh Khanh – Chủ tịch HĐ Khoa học Quỹ Văn hiến Việt Nam đã trình bày một số vấn đề lý luận và thực tiễn nghiên cứu việc phạm tội của vị thành niên và một số biểu hiện phạm tội của trẻ vị thành niên. Thiếu tá Lê Mạnh Cường – Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát Nhân dân đã chỉ ra các hành vi bạo lực học đường, xâm hại tình dục đối với trẻ vị thành niên hiện nay, đồng thời nêu lên một số biện pháp phòng ngừa, tập trung giáo dục pháp luật và giáo dục kỹ năng ứng xử, giao tiếp cho trẻ vị thành niên. PGS.TS Vũ Mạnh Lợi đưa ra 02 mô hình, lý thuyết cần quan tâm, đó là mô hình sinh thái và lý thuyết học hỏi xã hội trong nghiên cứu hành vi lệch chuẩn của trẻ vị thành niên.
Về yếu tố tác động đến việc phạm tội của trẻ vị thành niên, GS.TS Lê Thị Quý – Chủ tịch Quỹ Văn hiến Việt Nam đã chỉ ra việc phạm tội của trẻ vị thành niên ảnh hưởng bởi yếu tố tự thân và yếu tố môi trường, từ đó, cần đưa ra phương pháp “trị liệu gia đình” trong giáo dục trẻ vị thành niên.
Về phòng chống phạm tội của trẻ vị thành niên, TS. Hoàng Văn Năm – Ban Tổ chức Trung ương đã nêu lên vai trò của cộng đồng dân cư trong việc phòng chống và ngăn chặn tội phạm vị thành niên, chú trọng trách nhiệm của Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức tự quản cộng đồng trong việc phòng chống và ngăn chặn tội phạm vị thành niên. ThS. Nguyễn Thị Thuỳ Linh – Viện Nghiên cứu Thanh niên đã trình bày cụ thể quá trình tổ chức điều tra học sinh vị thành niên và công tác phòng chống vị thành niên vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ngoài ra, nhiều ý kiến đóng góp khác của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học về xu hướng phạm tội và các yếu tố tác động đến việc phạm tội của trẻ vị thành niên cũng được trình bày tại Hội thảo.
Phát biểu kết luận hội thảo, GS.TS. Đặng Cảnh Khanh ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến, tham luận, đánh giá của các đại biểu, khách mời. Đây là những ý kiến tâm huyết, có giá trị lý luận, thực tiễn cao, được đúc rút từ nhiều nghiên cứu khoa học bài bản và kinh nghiệm thực tiễn phong phú từ các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học. Thông qua chương trình, ban tổ chức hy vọng các cơ quan, tổ chức, đoàn thể sẽ quan tâm, dành nhiều thời gian, nguồn lực hơn trong việc nghiên cứu, giáo dục, giúp đỡ, định hướng để trẻ vị thành niên có các kỹ năng sống cần thiết, nhận biết được những giá trị, niềm tin đúng đắn để tránh phạm phải những sai lầm đáng tiếc./.