GS Lê Thị Quý và GS Đặng cảnh Khanh trả lời phỏng vấn báo Quân đội nhân dân về xây dựng hệ giá trị văn hóa gia đình

0
639
Vợ chồng GS, TS Đặng Cảnh Khanh và GS, TS Lê Thị Quý nói về hệ giá trị gia đình. Ảnh: HẢI HÒA

Gia đình là một thiết chế xã hội đặc biệt để các thành viên sum vầy, tụ hội, tái tạo sức lao động, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Trong thời kỳ mới, nhiều giá trị củgia đình truyền thống đang biến đổi, thậm chí có những dấu hiệu khủng hoảng, đòi hỏi phải thiết lập những giá trị mới, phù hợp với sự phát triển vững mạnh của đất nước và của các gia đình Việt Nam. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã phỏng vấn vợ chồng GS, TS Đặng Cảnh Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển và GS, TS Lê Thị Quý, Chủ tịch Quỹ Văn hiến Việt Nam, đồng tác giả cuốn sách “Gia đình học”, để làm rõ hơn vấn đề xây dựng hệ giá trị này.

Phóng viên (PV): Đề nghị hai Giáo sư cho biết những lý luận cơ bản về gia đình? Biểu hiện giá trị trong gia đình người Việt Nam là như thế nào?

GS. Đặng Cảnh Khanh: Chúng tôi muốn nói về các khái niệm bằng cách hiểu dung dị nhất. Cho đến nay vẫn còn có nhiều người hiểu đơn giản rằng thực chất của hôn nhân và gia đình chỉ là sự thoả thuận giữa hai con người, là một “bản giao kèo” mà nếu thuận buồm xuôi gió thì sẽ được thực hiện trong suốt cuộc đời, còn không thì “đường ai người nấy đi”… Với những người như vậy gia đình chỉ có giá trị như một tấm áo hoặc một đồ trang sức muốn thay đổi lúc nào cũng được

Tuy nhiên, trong một xã hội có tổ chức, người vợ và người chồng đã không phải là những bên duy nhất của “bản hợp đồng hôn nhân”. Nhà phê bình nổi tiếng người Anh Samuel Johnson cho rằng : “Đối với một bản hợp đồng hôn nhân thì chúng ta còn có một bên thứ ba nữa là xã hội…”. Bởi vậy cũng theo S. Johnson “bản hợp đồng hôn nhân” không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng xác lập hay dễ dàng phá bỏ (1). Nó còn phải tuân theo những nguyên tắc của cộng đồng xã hội, chịu sự quy định, giám sát của xã hội.

Về phương diện này, gia đình không chỉ mang ý nghĩa đối với cá nhân người vợ hay người chồng mà còn cả một trọng trách lớn với xã hội. Cầm tờ giấy hôn thú trong tay và đứng trước đông đảo những người tới chứng giám lễ thành hôn, các cặp vợ chồng mới không chỉ cảm nhận hạnh phúc của cá nhân mình mà còn phải biết rằng từ nay họ đã mang những trọng trách thật lớn đối với xã hội và gia đình lớn của họ. Trọng trách đó chính là giá trị cơ bản nhất của hôn nhân và gia đình.

GS Lê Thị Quý : Trong sự tồn tại của các quốc gia, ở mọi thời đại, gia đình luôn đòi hỏi tất cả các thành viên phải tôn trong nguyên tắc giá trị cơ bản trên. Bởi vậy nói về hệ giá trị gia đình, điều đầu tiên là chúng ta cần phải nhấn mạnh rằng gia đình chỉ có giá trị khi nó được các thành viên gia đình và xã hội tôn trọng và thực hiện được vị trí, vai trò và chức năng của mình.

Theo tôi, trong hệ giá trị gia đình đã tồn tại các giá trị chuẩn mực cụ thể. Đó là tình yêu thương giữa những người ruột thịt hay vợ chồng, Trước hết là hiếu đễ, yêu kính cha mẹ, thương mến anh chị em, thương mến người bạn đời… Đối với hầu hết nhân loại, gia đình vì thế bao giờ cũng được tôn trọng và có giá trị lớn trong xã hội. Ngay cả những nguyên thủ quốc gia và những chính khách, trong các bài phát biểu công khai của mình cũng không một ai dám bày tỏ quan điểm bài bác sự tồn tại khách quan của gia đình.

Hầu hết các ứng cử viên của các nước phát triển trong mỗi kỳ bầu cử đều thể hiện hình ảnh của bản thân mình như là những con người có gia đình êm ấm và biết trân trọng gia đình. Ngược lại nhiều người còn moi móc những chuyện bê bối trong đời tư của đối thủ và xem đó là một trong những phương thức tốt nhất để triệt hạ những ứng cử viên cạnh tranh với mình.

GS, TS Lê Thị Quý: Trong sự tồn tại của các quốc gia, ở mọi thời đại, gia đình luôn đòi hỏi tất cả thành viên phải tôn trọng nguyên tắc giá trị cơ bản trên. Bởi vậy nói về hệ giá trị gia đình, điều đầu tiên chúng ta cần phải nhấn mạnh rằng gia đình chỉ có giá trị khi nó được các thành viên gia đình, xã hội tôn trọng và thực hiện được vị trí, vai trò, chức năng của nó. Theo tôi, trong hệ giá trị gia đình đã tồn tại các giá trị chuẩn mực cụ thể. Đó là tình yêu thương giữa những người ruột thịt hay vợ chồng, trước hết là hiếu đễ, yêu kính cha mẹ, thương mến anh chị em, thương mến người bạn đời… Đối với hầu hết nhân loại, gia đình vì thế bao giờ cũng được tôn trọng và có giá trị lớn trong xã hội.  

PV: Là những người nghiên cứu và xuất bản cuốn sách “Gia đình học” nổi tiếng, vậy theo hai Giáo sư, trong tương lai, Việt Nam nên xây dựng hệ giá trị gia đình như thế nào?

GS, TS Đặng Cảnh Khanh: Tôi cho rằng, việc xây dựng hệ giá trị gia đình là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Lẽ ra điều này phải được tiến hành sớm hơn. Bởi nếu chúng ta không chủ động xây dựng những định hướng đúng đắn về giá trị gia đình, thì bản thân gia đình vẫn sẽ tự hình thành một cách tự phát và chủ quan các giá trị của nó dưới những tác động khách quan của đời sống kinh tế-xã hội. Khi đó chúng ta sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, kể cả phải đấu tranh với những sự nhiễu loạn nhất định của các giá trị tự phát.

GS, TS Lê Thị Quý: Chúng ta nên xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam hiện nay như thế nào? Đây là một câu hỏi khó. Tuy nhiên, theo tôi điều quan trọng nhất là chúng ta phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản nhất của giá trị gia đình mà cha ông đã truyền dạy, kết hợp với vấn đề xây dựng quyền cá nhân của các thành viên và bình đẳng giới.

Gần đây, dư luận xã hội có phần lo lắng nhiều về những sự nhiễu loạn của các giá trị gia đình. Tuy nhiên, ở đây tôi rất muốn nhấn mạnh một điều là, những năm qua, chúng ta đã làm được rất nhiều điều tốt đẹp cho việc củng cố gia đình. Sự tăng trưởng kinh tế đã không chỉ làm tăng thêm các cơ hội vật chất để cải thiện đời sống gia đình, chăm sóc người cao tuổi và trẻ em, mà còn là cơ sở và tiền đề quan trọng để tạo dựng nên một thiết chế gia đình và các giá trị gia đình bền vững.

Công tác kế hoạch hóa gia đình, sinh đẻ có kế hoạch cũng làm biến đổi mạnh mẽ quy mô, cơ cấu và chức năng của gia đình. Sự chuyển đổi từ mô hình gia đình đông đúc con cái sang mô hình chỉ có từ một đến hai con đã khiến quy mô gia đình thay đổi và đáp ứng được yêu cầu trước mắt của nền kinh tế. Tuy nhiên, về chiến lược lâu dài, chính sách dân số của chúng ta thời gian vừa qua đã có nhiều thiếu sót. Chẳng hạn, chúng ta chỉ tập trung giảm sinh trong các gia đình trí thức, cán bộ trong các tổ chức, cơ quan nhà nước là những người có điều kiện nuôi, dạy trẻ mà không giảm sinh chặt chẽ trong các gia đình khác. Sự thiên lệch đó đã ảnh hưởng tới chất lượng dân số của đất nước ở thế kỷ 21 và các thế kỷ sau nữa.

Trên thực tế, sự phát triển của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa giúp gia đình Việt Nam có điều kiện tiếp thu những giá trị văn hóa, nhân văn mới của xã hội hiện đại. Chúng ta là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đã ký kết thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) và Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (UNCRC).

Việc đưa những tư tưởng tiến bộ về bình đẳng giới vào gia đình ở một quốc gia vốn chịu ảnh hưởng của Nho giáo có thể được coi là bước tiến bộ lớn. Nó tạo điều kiện về mặt pháp lý để nâng cao vị trí và vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Các giá trị gia đình cũng có đầy đủ cơ sở pháp lý cần thiết để phát triển tiến bộ dựa trên một hệ thống văn bản pháp luật có liên quan đến “bình đẳng giới”, “hôn nhân gia đình”, “phòng, chống bạo lực gia đình”… Việc ký kết và tham gia thực hiện các quyền trẻ em cũng là một bước tiến bộ đáng kể đối với sự phát triển của gia đình. Nó chống lại những quan điểm cổ hủ của Nho giáo về sự lệ thuộc hoàn toàn của trẻ em vào cha mẹ. Sự hiện diện của trẻ em trong gia đình không chỉ là một thứ “tài sản” của riêng gia đình mà còn là nguồn nhân lực tương lai của xã hội. Trẻ em được toàn xã hội chăm sóc và bảo vệ. Trẻ em có được các quyền cơ bản trong gia đình và ngoài xã hội mà cha mẹ chúng cũng như cộng đồng xã hội phải có trách nhiệm tôn trọng và thực hiện.

Ở đây, thiếu sót chính là ở chỗ chúng ta đã chậm, thậm chí rất chậm trong việc định hướng xây dựng hệ giá trị gia đình mới phù hợp với xã hội hiện đại.

PV: Hai Giáo sư có thể cho biết những giá trị hợp thành hệ giá trị gia đình phù hợp với giai đoạn hiện nay ở Việt Nam? Quá trình xây dựng các hệ giá trị cần lưu ý những vấn đề gì?

GS, TS Đặng Cảnh Khanh: Trong những buổi hội thảo, các nhà khoa học là đồng nghiệp của chúng tôi có khuyến nghị 4 giá trị gia đình cần được phát huy, đó là: “An toàn, thịnh vượng, bình đẳng, trách nhiệm”. Tôi tán thành với các ý tưởng trên. Tuy vậy, trước hết chúng ta cần phải khẳng định những định hướng chung nhất, cơ bản nhất trong việc duy trì sự ổn định của gia đình, tạo điều kiện để gia đình phát huy được vị thế, vai trò và chức năng của nó đối với sự phát triển của xã hội. Hãy giữ vững nguyên tắc cơ bản của giá trị gia đình Việt Nam. Đó là, gia đình phải được tôn trọng và được tạo điều kiện phát triển vì nó là một thành phần quan trọng nhất của quốc gia. Nó không chỉ có trách nhiệm bảo đảm hạnh phúc cho con người mà còn cho sự tồn tại, phát triển bền vững của cộng đồng và xã hội.

GS, TS Lê Thị Quý: Về hệ giá trị: “An toàn, thịnh vượng, bình đẳng, trách nhiệm” cũng đã tóm lược được các đặc điểm của gia đình. Tôi muốn thay chữ “bình đẳng” bằng “hòa thuận” vì chỉ có sự bình đẳng giữa vợ và chồng mà không thể bình đẳng giữa cha mẹ và con cái. Dùng chữ “hòa thuận” sẽ sát nghĩa hơn. Như vậy hệ giá trị mới sẽ bao gồm: “An toàn, thịnh vượng, hòa thuận, trách nhiệm”.

Trong sự phát triển của xã hội ta ngày nay, việc khắc phục những mặt tiêu cực trong mối quan hệ giữa con người với con người ở điều kiện của nền kinh tế thị trường và những biểu hiện của khủng hoảng gia đình, xây dựng những chuẩn mực mới gắn liền với những giá trị nhân văn truyền thống trong đó có giá trị gia đình là hai mặt của một vấn đề trên con đường hướng tới một gia đình ổn định, một xã hội văn minh, tiến bộ.

Để thực hiện được công việc này, chúng ta cần nhận thức, lý giải và giải quyết một cách đúng đắn mối quan hệ giữa việc phát triển kinh tế thị trường với việc bảo lưu các giá trị tốt đẹp, trong đó có những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống. Chúng ta cần có được các chính sách và cơ chế để việc phát triển những quy luật của cơ chế thị trường không xâm hại đến những gì tốt đẹp mà ông cha chúng ta đã gây dựng từ ngàn đời nay, tạo điều kiện để phát triển văn hóa cá nhân trong sự phát triển của văn hóa tập thể là gia đình, tôn trọng những chuẩn mực, giá trị quý giá về tình yêu thương, hiếu đễ, lòng chung thủy, bình đẳng giới, đức hy sinh…

Chúng ta cũng không thể cho phép việc núp dưới danh nghĩa bảo vệ các giá trị truyền thống để duy trì và bảo lưu những quan niệm, chuẩn mực cổ hủ, lạc hậu kìm hãm sự phát triển của đất nước. Trong trường hợp này, cái truyền thống chỉ có thể được coi là tốt đẹp, tiến bộ khi nó tạo điều kiện cho việc phát triển con người một cách tự do và tự giác. Nói một cách khác, cái truyền thống chỉ có ý nghĩa tích cực khi nó mang trong mình không phải chỉ là sản phẩm của quá khứ mà là hơi thở của cuộc sống hiện đại, đồng hành với những gì hiện đại và văn minh nhất của thời đại.

Theo chúng tôi, chúng ta phải tìm được phương thức đúng đắn để bảo đảm cho sự tồn tại thống nhất và biện chứng giữa hai mặt đối lập này: Mặt các giá trị gia đình truyền thống và mặt cơ chế thị trường. Chính sự phát triển của nền kinh tế thị trường trong khi tạo ra động lực cạnh tranh làm cho năng suất lao động và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngày càng phát triển cao, sẽ trở thành cơ sở và tiềm lực vật chất mạnh mẽ để thực hiện tốt công tác duy trì và giáo dục các giá trị gia đình được đặt nền móng cơ bản từ truyền thống.

Ngược lại, việc duy trì và giáo dục tốt những giá trị nhân văn tốt đẹp từ các giá trị gia đình truyền thống sẽ là cơ sở cho sự ổn định của xã hội và gia đình, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế bền vững và hiện đại. Nguyên tắc phương pháp luận trên là cơ sở cho việc xác định vị trí, vai trò của gia đình, các giá trị gia đình trong suốt quá trình vận động và phát triển của lịch sử. Trong việc vừa lưu giữ, vừa chuyển tiếp, vừa xây dựng các giá trị mới, gia đình sẽ đứng ở vị trí trung tâm của những đổi thay này, tạo nên bộ mặt thực sự tiến bộ của một xã hội hiện đại. 

PV: Trân trọng cảm ơn hai Giáo sư!

MẠNH THẮNG – NGUYỆT MINH (thực hiện)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây