Đặc sắc nghề dệt lanh của người Mông vùng Cao nguyên đá

0
1204
Lễ hội tôn vinh nghề thêu, dệt vải lanh truyền thống dân tộc Mông
Lễ hội tôn vinh nghề thêu, dệt vải lanh truyền thống dân tộc Mông

Nghề dệt vải lanh truyền thống của đồng bào người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn đã có từ rất lâu. Những bộ váy, áo của người Mông được dệt từ sợi lanh đã tạo nên những sắc màu rực rỡ cho các phiên chợ, tạo nên nét riêng biệt, độc đáo, tô điểm cho bức tranh văn hóa đồng bào các dân tộc trên vùng cực bắc tổ quốc.

Đặc trưng của nghề dệt lanh

Nằm trong chuỗi các hoạt động hướng đến Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ V năm 2019 của tỉnh Hà Giang, ngày 25/10, liên xã Lùng Tám, Cán Tỷ (Quản Bạ) cùng nhau tổ chức Lễ hội làng nghề thêu, dệt vải lanh truyền thống dân tộc Mông tại xã Lùng Tám. Đây không chỉ là các hoạt động vui chơi, giải trí, bà con đồng bào dân tộc Mông đã mang đến một bộ sưu tập thông tin về làng nghề thêu, dệt vải lanh; đồng thời giới thiệu, tôn vinh tay nghề tinh hoa của những nghệ nhân; quảng bá xúc tiến thương mại, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong huyện đồng thời là nơi để du khách cảm nhận được sự sáng tạo của các nghệ nhân biến các vật liệu gần gũi trở thành những sản phẩm độc đáo của dân tộc Mông.

Người Mông sinh sống trên cao nguyên đá Đồng Văn vẫn luôn tự hào rằng, họ có hai nghề truyền thống khiến cộng đồng các dân tộc khác phải nể phục là nghề xe lanh dệt vải và nghề rèn độc đáo. Nếu như nghề rèn chỉ dành cho đàn ông thì nghề xe lanh dệt vải dành cho phụ nữ và họ đã tạo nên một nét văn hóa thổ cẩm rực rỡ sắc màu giữa ngút ngàn đá xám ngắt của vùng cao nguyên cằn cỗi.

Cây lanh đã gắn bó sâu sắc với đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá (và nhiều nơi khác) từ bao đời nay, đặc biệt là với người Mông. Nó song hành và giữ một vai trò quan trọng trong đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần của đồng bào nơi đây. Từ cây lanh, người Mông đã tạo dựng nên cả một nền văn hóa sống động, không thể hòa tan vào bất kỳ nền văn hóa nào khác. Cây lanh được đồng bào tận dụng triệt để, cây lanh được tước vỏ lấy sợi, thân cây làm chất đốt; lá, rễ dùng làm thuốc chữa bệnh, thức ăn cho gia súc và làm phân bón; hạt cây lanh có thể làm thành bánh…

Mất nhiều công đoạn để tạo ra một tấm vải lanh
Mất nhiều công đoạn để tạo ra một tấm vải lanh

Để có được một bộ váy, áo, phụ nữ Mông thường mất cả năm trời với hàng chục công đoạn đều bằng phương pháp thủ công truyền thống. Đầu tiên là gieo hạt lanh, khoảng 2 tháng lanh được thu hoạch về, rồi đập dập, phơi nắng vài tuần, tước vỏ, ngâm nước tro, hong khô… Tiếp đó là công đoạn nối sợi lanh thành những cuộn lanh to, đem ngâm nước tro, kéo go, dệt vải… Trải qua nhiều công đoạn với biết bao nhiêu mồ hôi, công sức của người lao động, một tấm vải lanh mới ra đời. Vải lanh tiếp tục được ngâm nước tro cho đến khi trở nên trắng óng. Sau đó, đến công đoạn cắt, may, thêu hoa văn trang trí…

Vải lanh có giá trị đặc biệt trong đời sống văn hóa người Mông. Họ dùng lanh làm quần, áo, váy, khăn. Con gái Mông lấy chồng phải có một bộ váy, áo bằng vải lanh. Khi mất, người Mông phải được chôn cùng bộ quần áo lanh thì mới được “tổ tiên đón nhận”. Người Mông đánh giá tài năng, vẻ đẹp và đức hạnh của người phụ nữ qua khả năng thêu, dệt được thể hiện trên những bộ trang phục mà họ mặc trong ngày hội. Trai bản kén vợ cũng dựa vào đó mà lựa chọn. Người phụ nữ Mông dù đi đâu, làm gì, miễn đôi tay được rảnh là lại thoăn thoắt nối sợi, thêu thùa. Mỗi sản phẩm thổ cẩm đều đậm sâu cả hình ảnh, phẩm chất cần cù, chịu khó của người phụ nữ Mông. Chính vì thế người Mông có câu hát:

Lớn lên em theo mẹ tập thêu.

Theo chị nhuộm chàm in hoa trên váy mới.

Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu.

Gái xinh chưa biết cầm kim là hư”.

Hầu hết người con gái Mông nào cũng đều biết trồng lanh, đến tuổi trưởng thành có thể dệt vải lanh thành thạo ở tất cả các công đoạn, tự may áo cho mình và người thân trong gia đình.

Bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt 

Để bảo tồn và phát triển nghề dệt vải lanh của đồng bào dân tộc Mông tại 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã đề ra các chính sách khuyến khích như: Hỗ trợ giống và khoa học kỹ thuật cho đồng bào khi gieo trồng cây lanh; phối hợp với các nghệ nhân là phụ nữ dân tộc Mông mở các lớp sơ chế, nhuộm và dệt vải lanh cho các em gái dân tộc Mông…Vì vậy, nghề dệt vải lanh của phụ nữ dân tộc Mông tại 4 huyện cao nguyên đá không ngừng được phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Những bộ váy sặc sỡ của phụ nữ người Mông được dệt từ vải lanh
Những bộ váy sặc sỡ của phụ nữ người Mông được dệt từ vải lanh

Trong những năm qua, nghề dệt vải lanh của đồng bào dân tộc Mông không chỉ có ý nghĩa bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc mình mà còn góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Với đôi tay lành nghề, khéo léo, các sản phẩm dệt lanh đã được quảng bá, giới thiệu tại nhiều nơi trong nước và cả nước ngoài. Nhận thức vai trò của nghề dệt vải lanh, chính quyền các huyện vùng Cao nguyên đá đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hợp tác xã dệt vải lanh mở rộng quy mô phát triển làng nghề; đồng thời mở rộng nghề dệt vải lanh ra các địa phương khác trên địa bàn.

Việc tổ chức Hội làng nghề thêu, dệt vải lanh truyền thống dân tộc Mông tại huyện Quản Bạ là nỗ lực của địa phương nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến tích cực của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, vị trí của văn hóa du lịch trong phát triển kinh tế, xã hội nhất là việc khôi phục, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Chị Nguyễn Thị Xuân, du khách đến từ Hà Nội cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi đến với Hà Giang, khi thăm quan các chợ trên Cao nguyên đá thấy người dân có bán những mảnh vải thổ cẩm dệt máy và cả mang từ nơi khác đến nữa. Tuy nhiên sau khi xem, mua và sử dụng thì tôi thấy vẫn thích sản phẩm mà bà con dệt ở đây hơn vì nó thể hiện được nét mộc mạc, sự tỉ mỷ và nét văn hóa của đồng bào nơi đây”.

Những năm trở lại đây, do ảnh hưởng từ nhiều luồng văn hóa du nhập vào đời sống của người dân, nhất là sự âu hóa trang phục của các dân tộc, tạo nên sự cạnh tranh giữa sản phẩm địa phương và các sản phẩm công nghiệp nên nghề dệt thổ cẩm không còn được thế hệ trẻ ưa chuộng. Tuy nhiên, đa số phụ nữ một số dân tộc Mông tại Hà Giang vẫn dùng vải lanh để may váy, áo và mỗi người về với tổ tiên cần phải có một bộ quần lanh vì họ quan niệm nếu không có quần áo lạnh khi về trời tổ tiên sẽ không nhận ra mình.

Theo Văn Hiến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây