Bàn về vấn đề bảo tồn đền Thượng Thái Sơn – nơi thờ Nhồi Hoa Công chúa

0
919
đền Thượng Thái Sơn - nơi thờ Nhồi Hoa Công chúa
đền Thượng Thái Sơn - nơi thờ Nhồi Hoa Công chúa

PGS.TS. Đặng Văn Bài
Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia

Tôi biết, trong tọa đàm khoa học hôm nay chắc chắn sẽ có bài viết sâu sắc và chi tiết của các nhà khoa học bàn về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của đền Thượng Thái Sơn như là một bằng chứng vật chất về tấm lòng của người Việt Nam và ghi nhận công lao của vị công chúa nước Lào đã hết lòng vì đất nước thân yêu của chúng ta. Đó cũng là biểu tượng văn hóa về tình hữu nghị Việt – Lào đời đời bền vững. Vì thế, chỉ xin được trao đổi một vài suy nghĩ về di tích quý giá này từ góc nhìn di sản văn hóa.

  1. Đền Thượng Thái Sơn từ góc nhìn di sản văn hóa

1.1. Nhận thức và quan điểm tiếp cận

Ngày nay, văn hóa của một quốc gia (di sản văn hóa) bao giờ cũng được cấu trúc từ hai bộ phận cơ bản: là yếu tố văn hóa nội sinh – những phát minh và sáng tạo văn hóa bản địa và yếu tố văn hóa ngoại sinh – tinh hoa văn hóa nhân loại được lựa chọn, tiếp biến và bản địa hóa.

Trong yếu tố văn hóa nội sinh cũng có hai yếu tố cấu thành là: văn hóa dân gian và văn hóa bác học. Thực tế cho thấy, trong văn hóa truyền thống của Việt Nam, yếu tố văn hóa dân gian luôn chiếm địa vị chủ đạo. Trong văn hóa dân gian thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên – đạo lý “uống nước nhớ nguồn” là yếu tố có tác động tích cực, chi phối và điều chỉnh hành vi đạo đức của các cá nhân và cả cộng đồng ở hai cấp độ vĩ mô và vi mô. Về mặt quốc gia thì biểu tượng cô đọng nhất là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và ngày Giỗ Tổ chung của cả nước vào mùng 10 tháng 3 (âm lịch) hàng năm. Ở cấp làng xã, chúng ta có đình thờ Thành Hoàng làng, đền thờ các vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa – những người có công với dân, với nước, để lại tấm gương sáng về đạo đức cho muôn đời con cháu nói theo.

Để tạo ra sức sống lâu bền cũng như sức hấp dẫn, sự lan tỏa rộng khắp ảnh hưởng của hệ thống thiết chế văn hóa liên quan tới tín ngưỡng dân gian, ông cha ta đã sáng tạo ra một loại hình di sản văn hóa phi vật thể độc đáo – một sự kiện văn hóa – tâm linh/một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng là lễ hội truyền thống.

Lễ hội truyền thống theo quan niệm của học giả Toan Ánh là “Hội hè đình đám, là những cuộc tổ chức hội họp tại các xã, thôn nhân dịp làng vào đám và trong dịp vào đám này có nhiều trò mua vui cho dân thôn giải trí. Làng vào đám hàng năm để cúng lễ thần linh và nhân dịp này cũng để dân làng hội họp mua vui và tìm hiểu nhau”[1].  GS.TS. Ngô Đức Thịnh lại cho rằng, “Lễ hội là một hiện tượng tổng thể, không phải là thực thể chia đôi (phần lễ và phần hội) một cách tách biệt như một số học giả đã quan niệm mà nó được hình thành trên cơ sở cốt lõi nghi lễ tín ngưỡng nào đó (thường là tôn thờ một vị thần linh lịch sử hay một vị thần nghề nghiệp nào đó) rồi từ đó này sinh và tích hợp các hiện tượng sinh hoạt văn hóa, phái sinh để tạo nên một tổng thể lễ hội. Cho nên trong lễ hội, phần lễ là phần gốc rễ, chủ đạo, phần hội là phần phái sinh, tích hợp”[2].

Từ hai định nghĩa nêu trên có thể rút ra những nét đặc trưng cơ bản của lễ hội truyền thống là: tính lịch sử (1), tính bền vững (2), có giá trị giáo dục sâu sắc (3) yếu tố gắn bó mật thiết với đời sống tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng của một đồng cộng đồng cư dân cụ thể (4), là hình thức sinh hoạt văn hóa tập thể, hiện tượng văn hóa dân gian mang tính tổng thể (5), chủ thể sáng tạo và chủ sở hữu lễ hội truyền thống là cộng đồng cư dân làng xã (6).

Có thể coi tín ngưỡng dân gian đình, đền thờ thần Thành Hoàng và lễ hội truyền thống là một sáng tạo lớn lao trong văn hóa dân gian Việt và cũng là không gian văn hóa – tâm linh để duy trì và nuôi dưỡng sức mạnh văn hóa trong đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam ngàn năm qua. Đền Thượng Thái Sơn – nơi thờ Công chúa Lào là một trường hợp điển hình như thế.

1.2. Đền Thượng Thái Sơn (xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) là hợp thể bền chặt giữa hai loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể

Di sản văn hóa vật thể là một thực thể vật chất/hữu hình. Tuy được tồn tại dưới dạng vật chất “đình, đền, chùa thờ Thần, Phật” nhưng di sản văn hóa vật thể lại hàm chứa những hồi ức sống động của loài người, là bằng chứng vật chất của các nền văn hóa, văn minh nhân loại và của từng quốc gia dân tộc. Di sản văn hóa phi vật thể là những thực thể vô hình, không có dạng tồn tại vật chất mà chỉ được lưu truyền và biểu hiện bằng hình thức truyền miệng, truyền nghề, các dạng bí quyết nghề nghiệp v.v… Phần lớn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể được biểu hiện thông qua các cử chỉ, hoạt động trình diễn (thực hành) của các nghệ nhân dân gian – những chủ thể sáng tạo văn hóa và chủ sở hữu của di sản văn hóa phi vật thể.

Di sản văn hóa vật thể (di tích lịch sử – văn hóa) là những thực thể vật chất/tồn tại vật lý được cấu thành bởi các loại vật liệu khác nhau nên không có khả năng trường tồn mãi mãi cùng nhân loại. Chúng ta bằng các phương tiện kỹ thuật hiện đại có trong tay chỉ có thể gia cố, tạo thêm độ bền vững và kéo dài tuổi thọ (mang tính tạm thời) cho các di tích. Đã là dạng vật chất, các di tích tất yếu phải chịu tác động của các quy luật tự hủy hoại của tự nhiên.

Di sản văn hóa phi vật thể là cái vô hình, tồn tại dưới dạng truyền khẩu nên nó phụ thuộc vào nhận thức cũng như hành động của các chủ thể sáng tạo văn hóa và chủ sở hữu di sản văn hóa là cộng đồng cư dân địa phương. Vì thế, ý chí, khát vọng, nhu cầu thậm chí lợi ích của họ có tác động không nhỏ đến sự tồn vong của di sản văn hóa phi vật thể. Điều đó khẳng định, cộng đồng cư dân địa phương phải là người có quyền quyết định, lựa chọn các di sản văn hóa cần được ưu tiên bảo tồn và cả phương thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của từng cá nhân và cả cộng đồng lớn.

Chúng ta hiểu, di sản văn hóa Việt Nam mang tính dân gian rõ rệt và tính dân gian trong tín ngưỡng thờ Thành Hoàng cũng như lễ hội truyền thống lại càng đậm đặc hơn. Vì thế, di sản văn hóa phi vật thể có mức độ tinh tế và nhạy cảm rất lớn. Đó là cái gì đó thật “mong manh”, dễ “lay động”, dễ bị biến dạng trước những biến đổi của thời cuộc và trước tác động dù là nhỏ nhất từ con người và xã hội. Tuy nhiên, chính mức độ nhạy cảm như thế lại tạo ra không gian rộng lớn cho sự sáng tạo không ngừng nghỉ cho các chủ thể văn hóa. Đó cũng là yếu tố quan trọng khiến cho di sản văn hóa Việt Nam mang tính đa dạng, phong phú hơn ở cấp độ quốc gia dân tộc và cấp độ địa phương, vùng miền.

Một đặc trưng nữa cũng cần được lưu ý là di sản văn hóa phi vật thể không “nhất thành bất biến”, nó bao giờ cũng hàm chứa những nhân tố mang tính lịch sử, đồng thời lại mang hơi thở của thời đại mà chủ thể văn hóa và chủ sở hữu di sản văn hóa phi vật thể đang sống, lao động và sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Điều đó có nghĩa, di sản văn hóa phi vật thể được sáng tạo, được bảo lưu và chuyển giao qua nhiều thế hệ kế tiếp nhau qua một quá trình lựa chọn, sàng lọc và sáng tạo không ngừng nghỉ. Các thế hệ kế tiếp nhau có quyền bình đẳng trong việc tiếp cận, kế thừa các giá trị văn hóa do cha ông truyền lại, đồng thời phải có trách nhiệm chọn lọc cả những gì là tinh hoa nhất để bảo tồn và trao truyền, tiếp nối, bên cạnh đó phải sáng tạo ra các giá trị văn hóa mới bổ sung làm cho kho tàng di sản văn hóa của dân tộc ngày càng phong phú và đa dạng hơn.

Những điều trình bày ở trên là một số quan điểm tiếp cận có thể vận dụng vào việc nhận diện giá trị của đền Thượng Thái Sơn. Có thể nói, ngôi đền này là một di tích lịch sử – văn hóa, là phần vỏ vật chất/không gian vật lý như một phương tiện hữu hiệu cho việc duy trì “phần hồn”/bất biến là tín ngưỡng thờ tổ tiên và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đó là lý do buộc chúng ta phải quan tâm toàn diện hơn nữa tới các mặt giá trị văn hóa phi vật thể được “vật chất hóa” trong không gian của đền Thượng Thái Sơn.

  1. Bảo tàng hóa di sản văn hóa làng là mô hình hữu ích cho việc bảo tồn di sản văn hóa
  2. Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng: “Bảo tàng hóa di sản văn hóa là việc bảo vệ nhằm phát huy giá trị của những địa điểm văn hóa, những hiện vật hay hoạt động sống của các cộng đồng ngay tại môi trường sinh thái – nhân văn nơi chúng được sáng tạo ra và hiện đang tồn tại cùng cộng đồng, song có thể linh hoạt khi thực hiện các quy trình của khoa học bảo tàng”[3].

Theo Zbynek Stransky – nhà bảo tàng học nổi tiếng (người Tiệp Khắc cũ) thì bảo tàng hóa di sản văn hóa là “quá trình biến một phần cuộc sống và hoạt động của một cộng đồng, một công trình kiến trúc hay di chỉ khảo cổ thậm chí là các thắng cảnh thiên nhiên… trở thành một loại hình bảo tàng hay phương pháp chuyển đổi một loại hình hay mô hình nào đó sang mô hình bảo tàng”[4].

Trong đề tài khoa học cấp Bộ, tôi đã xác định rõ, bảo tàng di sản văn hóa làng tức là đưa các di sản văn hóa nguyên gốc, tiêu biểu cùng toàn bộ môi trường sinh thái – nhân văn của một làng cổ thành đối tượng bảo vệ, nghiên cứu, giáo dục và cung cấp các dịch vụ văn hóa theo phương pháp bảo tàng học hiện đại. Theo đó, các di sản văn hóa làng: hệ thống các công trình kiến trúc, hệ thống các công cụ sản xuất, các nghệ nhân, các sản phẩm nghề thủ công truyền thống và kỹ năng sản xuất nông nghiệp, kỹ năng, bí quyết nghề thủ công mang tính gia truyền của các dòng họ, từng gia đình, các lễ hội, các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, cảnh quan sinh thái – nhân văn của làng trở thành hiện vật, tổ hợp hiện vật cấu thành phần trưng bày sống động ngay tại chỗ. Tất cả các di sản văn hóa làng được quy hoạch, xây dựng trong môi trường làng, xã thành “bảo tàng sống” ngoài trời mà chủ nhân của bảo tàng chính là cộng đồng cư dân sở tại.

Ngày nay, bảo tàng hóa di sản văn hóa làng được coi là một dạng đặc biệt của một mô hình bảo tàng sinh thái. Bảo tàng hóa di sản văn hóa làng theo mô hình bảo tàng sinh thái là cách làm năng động, dựa trên sự đồng thuận của cộng đồng, trong đó các cộng đồng thực hiện việc bảo tồn, giới thiệu và quản lý di sản của chính họ cho sự phát triển bền vững của địa phương.

Về bản chất, bảo tàng sinh thái là một phương tiện quan trọng mà qua đó cộng đồng có thể kiểm soát di sản văn hóa của họ cũng như bảo tàng và cho phép ứng dụng cách tiếp cận mới để làm tăng thêm ý nghĩa đối với hoạt động bảo tồn di sản văn hóa của từng địa phương. Ngoài chức năng chính là bảo tồn và trao truyền di sản văn hóa, bảo tàng sinh thái còn tạo cơ hội cho cộng đồng tham gia tích cực, chủ động vào quá trình phát triển xã hội cũng như thể hiện nguyện vọng, ý chí của cộng đồng địa phương. Sự đồng thuận và tham gia của người dân địa phương vào việc tạo lập và duy trì hoạt động của bảo tàng sinh thái là một trong những nguyên tắc không thể thay thế cho việc sáng lập các bảo tàng dạng này và cũng là tiêu chí chủ chốt đối với việc tiến hành bảo tàng hóa di sản văn hóa làng trong cộng đồng. Do đó, bảo tàng sinh thái được hiểu là mô hình bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của cộng đồng nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

Từ đó suy ra, ta thấy các đối tượng được bảo tàng hóa sẽ là các yếu tố cơ bản:

– Di sản văn hóa và môi trường sinh thái – nhân văn có liên quan;

– Đời sống thường nhật của người dân địa phương đang sống bên cạnh di tích lịch sử – văn hóa cũng như lễ hội truyền thống được thực hành trong không gian của di tích;

– Môi trường sinh thái – nhân văn ở làng xã chính là không gian trưng bày sống động ở ngoài trời;

– Di sản văn hóa cũng là các hoạt động sản xuất, sinh hoạt đời sống thường ngày và ngay cả bản thân các chủ thể văn hóa – người dân địa phương cũng được coi là “hiện vật trưng bày” trong bảo tàng sinh thái và cũng là một phần “trưng bày sống động” ở ngoài trời;

– Khái niệm hiện vật đơn lẻ được thay thế bằng hệ thống các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của làng xã.

Bảo tàng sinh thái bao hàm các đặc trưng của một bảo tàng hiện tại là:

– Mở rộng cách tiếp cận với chức năng, nhiệm vụ của bảo tàng với các vấn đề mà xã hội đang quan tâm;

– Mở rộng nội hàm các khái niệm và thuật ngữ khoa học chuyên ngành;

– Quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề sinh thái tự nhiên để phù hợp với nhu cầu thích ứng với hiện tượng biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn nhân loại;

– Đặc biệt quan tâm tới con người và đặt con người vào trung tâm phát triển bền vững và tiến bộ xã hội;

– Đa dạng hóa các hình thức trưng bày cũng như tổ hợp các nội dung trưng bày tùy thuộc vào điều kiện kinh tế – xã hội và văn hóa của một địa phương cụ thể;

– Quan tâm nhiều hơn tới việc khích lệ các ý tưởng sáng tạo mang tính thực nghiệm từ cộng đồng cư dân;

– Tạo ra nhiều cơ hội trải nghiệm văn hóa và tương tác giữa con người với “hiện vật sống”, giữa du khách và người dân địa phương với tư cách là những người hướng dẫn tham quan;

– Mở rộng không gian và cơ hội cho con người tự học, tự giáo dục theo xu hướng tạo lập môi trường và không gian học tập suốt đời.

Các nhà khoa học đã tổng kết ba phương pháp tiếp cận mở đối với một bảo tàng sinh thái: mở rộng liên tục cách tiếp cận với di sản văn hóa vật thể và phi vật thể – Yếu tố quan trọng làm nên sắc thái văn hóa của từng địa phương (1), bảo đảm điều kiện cho người dân địa phương được tiếp cận, hưởng thụ giá trị văn hóa của cộng đồng cũng như quản lý di sản ngay tại không gian nơi di sản được sáng tạo ra và đang tồn tại (2), tạo điều kiện tương tác mở giữa các chủ thể trong quan hệ với môi trường sinh thái – cộng đồng sở tại – du khách bốn phương. Đó là cơ sở để giáo dục và bồi dưỡng đạo đức và trách nhiệm xã hội đối với môi trường sống của con người (3).

Phương pháp tiếp cận mở yêu cầu phải tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc hoạt động của bảo tàng sinh thái là: bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ngay tại chỗ, trong lòng cộng đồng (1), có sự tham gia tự nguyện và chủ động của người dân địa phương (2), góp phần tích cực cho việc phát triển cộng đồng một cách bền vững theo hướng đưa lại sinh kế, công ăn việc làm, nâng cao đời sống của người dân địa phương ở cả hai mặt vật chất và tinh thần (3).

Tóm lại, phương thức tiếp cận mở cũng như các nguyên tắc căn bản phải thực hiện trong quá trình xây dựng và duy trì hoạt động của một bảo tàng sinh thái là nhằm đạt được các mục tiêu lớn là:

– Bảo tồn di sản văn hóa dưới dạng nguyên gốc trong các cộng đồng cư dân địa phương;

– Biến di sản văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần cũng như động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương;

– Góp phần bảo vệ môi trường sinh thái – nhân văn và môi trường văn hóa – tâm linh của các di tích lịch sử – văn hóa;

– Tạo ra các sản phẩm du lịch – văn hóa có hàm lượng trí tuệ cao, hấp dẫn du khách;

– Lồng ghép, phối hợp ba phong trào lớn của một địa phương là: Xây dựng nông thôn mới – Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở – Phát triển loại hình du lịch cộng đồng.

Tóm lại, đền Thượng Thái Sơn – nơi thờ Công chúa Lào không thể tồn tại tách biệt mà phải trở thành một hợp phần hữu cơ trong đời sống xã hội của người dân xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Đặc biệt, ngôi đền thiêng nói trên đang hiện diện trong lòng Khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An – Ninh Bình thì nó cũng còn cần được bảo tồn và phát huy với tư cách là một bộ phận trong cái gọi là “bảo tàng sinh thái” của thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai. Đó là giải pháp, là mô hình hữu hiệu đưa di sản văn hóa ra khỏi “lồng kính” thời gian đến thẳng với cộng đồng và đi vào đời sống xã hội phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây